Số ca mắc COVID-19 tăng, ngành y tế ứng phó thế nào?
Tại nhiều địa phương, số ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại, ngành y tế đã chuẩn bị kịch bản gì để ứng phó?
Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo công bố về số liệu ca mắc mới hằng ngày của Bộ Y tế và báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, số ca mắc mới và số ca nặng trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng mỗi ngày.
Số ca nhập viện tăng
Số trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện vì có triệu chứng bắt đầu có dấu hiệu tăng dần. Nếu như cách đây vài tuần, chỉ có một số trường hợp trẻ mắc COVID-19 phải nằm viện thì hiện nay, con số này đã có dấu hiệu nhích dần lên mỗi ngày.
Cụ thể, ngày 12/8, tổng số trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng đang được cách ly điều trị tại các bệnh viện nhi của thành phố là 13 ca, tăng 2 trường hợp so với ngày hôm trước. Điều đáng quan tâm là tất cả bệnh nhi này đều chưa được tiêm vaccine.
CDC Bến Tre cũng cho hay, số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Một số địa bàn đã xuất hiện các chùm ca bệnh.
Cụ thể, ngày 6/8, toàn tỉnh ghi nhận thêm 21 ca mắc, trong đó, TP Bến Tre 7 ca, Giồng Trôm 7 ca, Bình Đại 5 ca… Ngày 9/8, Bến Tre có thêm 9 trường hợp mắc COVID-19, trong đó, huyện Châu Thành 6 ca... Ngày 10/8, tỉnh có thêm 14 người mắc COVID-19, trong đó, huyện Bình Đại 9 trường hợp, huyện Châu Thành 3 ca... Theo nhận định của ngành y tế, số ca mắc mới có thể sẽ tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho hay, bệnh viện vẫn dành riêng một khu khám, một khu điều trị riêng về COVID-19, duy trì liên tục từ trước đến nay. Những ngày gần đây, số bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19 có tăng nhưng không đáng kể. Hiện tại, bệnh viện điều trị khoảng 10 bệnh nhân.
BSCK II Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), thông tin, số bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị COVID-19 có tăng lên trong những ngày gần đây. Trung bình mỗi ngày, 30-50 người đến khám COVID-19. Bệnh viện đang điều trị cho hơn 10 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân tầng 2.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 124 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị. Con số này có tăng nhẹ so với tuần trước.
Bộ Y tế cũng nhận định, trong nước đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ BA.4, BA.5, các ca nhiễm biến thể phụ này sẽ nhiều hơn và số ca mắc sẽ gia tăng trở lại.
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, trong ngày 11/8, số ca mắc COVID-19 trên cả nước lên đến con số 2.367, trong khi ngày 7/8, cả nước chỉ ghi nhận 1.381 ca. Số ca mắc tăng dần trong các ngày tiếp theo.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế ngày 13/8, so với tuần trước, số ca khỏi bệnh tăng 23,6%, số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 22,3%; số ca nặng, nguy kịch tăng 15,0%; số ca Mask, gọng kính tăng 5,7%, thở máy xâm lấn tăng 63,6%.
Người dân cần đi tiêm vaccine phòng COVID-19
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng, dịch COVID-19 chưa kết thúc, biến thể mới tiếp tục xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh hơn, trong khi đó, miễn dịch của COVID-19 không bền vững, người từng mắc COVID19 sau thời gian sẽ bị lại.
Bên cạnh đó, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 cũng giảm theo thời gian. Khi miễn dịch giảm đi, số ca mắc chuyển nặng tăng lên, đặc biệt ở nhóm nguy cơ như người già, người mắc bệnh nền, phụ nữ có thai, trẻ em chưa tiêm vaccine, người suy giảm miễn dịch.
Nguyên nhân khác, theo ông Phu, là chúng ta đã nới lỏng các hoạt động, một số còn có có tâm lý chủ quan (đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn cũng ít đi), việc cách ly người bệnh cũng giảm.
Trước thực tế trên, ông Trần Đắc Phu cho rằng, ngành Y tế cần đánh giá tốt nguy cơ, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, tránh hiện tượng không kiểm soát được dịch bệnh. “Chúng ta thực hiện nới lỏng đồng bộ nhưng không thả lỏng vì COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng ta nới lỏng nhưng phải dự phòng đồng bộ và kiểm soát rủi ro ”, ông Phu nói.
Người dân cũng nên thực hiện tốt biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang, khử khuẩn, đặc biệt chú ý nguy cơ tiếp xúc gần với những người có triệu chứng bệnh, dự phòng đám đông, môi trường kín.
“Nếu người dân còn chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19, số ca mắc tiếp tục tăng. Lúc đó, ca nặng tăng và có thể gây quá tải hệ thống y tế”, một chuyên gia nói.
Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP.HCM đề nghị tất cả bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố chủ động rà soát nguồn lực (nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiên phòng hộ cá nhân...) để sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh tiếp tục có diễn tiến theo chiều hướng xấu.
Ngoài ra, sẵn sàng kích hoạt lại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 khi số ca COVID-19 nặng gia tăng. Sở Y tế giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố chịu trách nhiệm chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý và chuyên môn để sẵn sàng kích hoạt lại Bệnh viện dã chiến khi có yêu cầu của Sở Y tế. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chủ động xây dựng các tình huống tương ứng với các kịch bản về số ca nặng cần thu dung, điều trị tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 và báo cáo về Sở Y tế.
Trong khi đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động; quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.
Đồng thời, chỉ đạo theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên địa bàn và ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu với các dịch bệnh mới; chỉ đạo các cơ sở điều trị thực hiện tốt việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh.
Quyền Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị các địa phương tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra; đặc biệt chú trọng việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế và không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; khẩn trương rà soát kế hoạch tiêm 6 tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch tiêm vaccine 2023.