Số bác sĩ trên 1 vạn dân của tỉnh, thành nào cao nhất cả nước? TP. HCM, Hà Nội hay Hải Phòng, Quảng Ninh đều không dẫn đầu
Số bác sĩ trên 1 vạn dân của Hà Nội là 10,9, của TP. HCM là 13,1, nhưng cả hai thành phố này đều không dẫn đầu.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2019, cả nước có 96.229 bác sĩ, trong đó có 74.347 bác sĩ công lập và 21.882 bác sĩ ngoài công lập.
Năm 2019
TP.HCM là thành phố có số bác sĩ lớn nhất cả nước với đội ngũ 11.824 bác sĩ, Hà Nội đứng thứ hai với 8.792 bác sĩ. Đây cũng là hai địa phương có dân số lớn nhất cả nước.
Nếu xét về số bác sĩ trên 1 vạn dân, Cần Thơ là địa phương có số bác sĩ trên 1 vạn dân lớn nhất là 18,9. Đứng thứ hai là Đà Nẵng với 17,6 bác sĩ trên 1 vạn dân. TP.HCM đứng thứ 7 trong danh sách với 13,1 bác sĩ trên 1 vạn dân. Hải Phòng đứng thứ 13 với con số 11,7 và Hà Nội đứng thứ 18 với 10,9 bác sĩ trên mỗi 1 vạn dân.
Theo ấn phẩm Động thái và thực trạng kinh tế – xã hội Việt Nam 5 năm 2016-2020, giai đoạn 2016-2020, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được tăng cường, chất lượng dân số từng bước được cải thiện, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao, hệ thống y tế tuyến cơ sở đã được kiện toàn, củng cố đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được ứng dụng rộng rãi, nhiều dịch vụ y tế kĩ thuật cao, tiên tiến được áp dụng. Các chính sách về tài chính cho y tế cơ sở được ban hành, bao gồm các chính sách tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho y tế, phân bổ ngân sách qua các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như ban hành luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu.
Mạng lưới y tế cơ sở được tiếp tục củng cố và phát triển. Năm 2016 cả nước có 13.591 cơ sở y tế do Nhà nước quản lý, trong đó có 1.077 bệnh viện, 609 phòng khám đa khoa khu vực và 11.812 trạm y tế xã, phường, cơ quan, xí nghiệp. Năm 2018, cả nước có 13.547 cơ sở y tế do Nhà nước quản lý, trong đó có 1.354 bệnh viện, 308 phòng khám đa khoa khu vực và 11.815 trạm y tế xã, phường, cơ quan, xí nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đặt ra cho hệ thống y tế Việt Nam là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải tiến môi trường bệnh viện; đổi mới cơ chế tài chính; phát triển công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là y tế dự phòng.
Năm 2019, số giường bệnh là 323,8 nghìn giường (không bao gồm số giường bệnh thuộc tuyến trung ương quản lý). Số giường bệnh (không tính giường bệnh tại các trạm y tế xã, phường, cơ quan, xí nghiệp) bình quân 1 vạn dân năm 2019 là 28,5 giường bệnh, cao hơn mức bình quân 27 giường bệnh của năm 2016.
Ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực để phát triển nhân lực y tế, năm 2019 đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% trạm y tế xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm, 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tuy nhiên trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh tăng nhanh như hiện nay không tránh khỏi tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế về cả số lượng và chất lượng. Số bác sĩ trên cả nước năm 2019 (không bao gồm số bác sĩ thuộc tuyến Trung ương quản lý) là 96,2 nghìn người, tăng 17,3% so với năm 2018 và tăng 24,1% so với năm 2016.
Song, chất lượng y tế được nâng cao nhưng vẫn còn nhiều bất cập như số lượng và chất lượng nhân lực y tế phân bổ không đồng đều giữa các vùng, các tuyến, giữa khám chữa bệnh và y tế dự phòng. Tỷ lệ điều dưỡng/bác sỹ thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên thế giới, không đảm bảo chăm sóc người bệnh toàn diện. Nhân lực ngành dược chưa đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng và chất lượng, kiểm định chất lượng chưa chặt chẽ, cấp phép hành nghề còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Thái Quỳnh
Tổ Quốc