Smartphone sụt giảm, các hãng tăng cường bán phụ kiện tại Việt Nam

Chia sẻ Facebook
31/05/2022 09:31:35

Các hãng tại Việt Nam bắt đầu chú trọng đến mảng phụ kiện trong bối cảnh smartphone bão hoà và nhu cầu khách hàng đang tăng với một số thiết bị thông minh.

Hai tuần trước, trong sự kiện giới thiệu chiếc smartphone Realme 9, hãng Realme cũng đồng thời tung ra thị trường chiếc tai nghe Buds Q2s với giá bán 690.000 đồng. Tai nghe hỗ trợ Bluetooth 5.2, có khả năng chống nước nhẹ, và khử ồn kỹ thuật số.

Trước đó, Oppo cũng ra mắt kèm chiếc headphone Enco Air 2 khi giới thiệu dòng điện thoại Reno7 chiến lược của hãng. Tai nghe này có khả năng kết nối nhanh nhạy, điều khiển chụp ảnh, chống nước nhẹ, với giá bán gần gấp đôi Realme Buds Q2s.

Xu hướng mở rộng hệ sinh thái bên ngoài mảng smartphone đang được các hãng áp dụng khá tích cực tại Việt Nam. Đối với những thương hiệu Trung Quốc, Xiaomi đi tiên phong trong việc đa dạng hoá sản phẩm xung quanh chiếc điện thoại thông minh. Huawei cũng nhảy vào sau đó, nhất là kể từ khi mảng smartphone chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm của Mỹ. Tiếp đến, Oppo và Realme cũng đi theo xu hướng phát hành phụ kiện kèm smartphone.

Huawei tập trung ra mắt phụ kiện tại Việt Nam khi mảng smartphone đang gặp khó.

Trước đó, Apple và Samsung đã rất mạnh khi xây dựng chuỗi sản phẩm liên quan trong hệ sinh thái công nghệ của họ. Có thể kể đến các sản phẩm của hai hãng này như: Máy tính bảng, tai nghe, đồng hồ thông minh. Apple còn gây dấu ấn với máy tính và laptop, trong khi Samsung quá mạnh ở mảng điện tử gia dụng.

Theo số liệu của GfK, thị trường smartphone Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 14-16 triệu chiếc, hầu như không tăng trưởng trong những năm gần đây. Trên toàn cầu, lượng xuất xưởng smartphone quý 1/2022 giảm 11% so với cùng kỳ, theo số liệu của Canalys.

Sự bão hoà của thị trường smartphone tạo động lực cho các hãng thuần smartphone như Oppo, Realme nhảy vào sản xuất phụ kiện, nhằm xây dựng hệ sinh thái chung quanh và gia tăng doanh thu. Trong khi đó, các thương hiệu như Samsung, Apple, Huawei, Xiaomi đã sớm nghĩ đến việc xây dựng dải sản phẩm phủ khắp nhu cầu công nghệ.

Trước khi gặp sự cố với các hãng công nghệ Mỹ, Huawei đã kịp sản xuất máy tính bảng, máy tính xách tay, bên cạnh mảng smartphone chủ lực. Đến thời điểm hiện tại, hãng này mở rộng thêm mảng đồng hồ thông minh và tai nghe không dây. Mới tuần trước, hãng tung ra thị trường Việt Nam 3 mẫu đồng hồ thể thao dành cho cả gia đình.

Để xây dựng hệ sinh thái, các hãng hiện đang chú trọng vào đồng hồ thông minh có tính năng đo sức khoẻ, tập luyện thể thao và tai nghe không dây. Hai mảng này đang có nhu cầu cao tại Việt Nam và toàn cầu kể từ khi đại dịch xảy ra. Ngoài ra, thị trường đã được mở sẵn bởi Apple, với các dòng Apple Watch và tai nghe Airpods, cũng khiến các hãng thâm nhập vào dễ dàng hơn.

Không phải tự nhiên các hãng nhảy vào smartwatch và tai nghe không dây. Số liệu cho thấy cả hai mảng này đang tăng trưởng mạnh trong bối cảnh smartphone không còn đất tăng trưởng.

Theo Counterpoint, mảng đồng hồ thông minh tăng trưởng lên tới 24% năm 2021 so với 2020. Các tên tuổi chiếm thị phần lớn theo thứ tự giảm dần gồm: Apple, Samsung, Huawei. Các thương hiệu nổi bật khác cũng có trong top như Xiaomi, Garmin, Fitbit.

Chuyên gia nhận định việc theo dõi được các chỉ số sức khoẻ như nhịp tim, điện tâm đồ, nồng độ oxy trong máu (SpO2),... khiến smartwatch được ưa chuộng. Ngoài ra, khả năng hoạt động độc lập của các sản phẩm này so với smartphone cũng khiến nhiều người sở hữu chúng hơn.

Ngoài mảng đồng hồ thông minh, các loại tai nghe không dây cũng tăng trưởng mạnh. Chỉ xét về tai nghe không dây TWS (True Wireless Stereo), số liệu Counterpoint cho thấy, có khoảng 300 triệu tai nghe không dây TWS đã được bán trong năm 2021, tăng 24% so với năm trước đó. Apple vẫn chiếm thị phần lớn, với Xiaomi, Samsung, JBL theo sau.

Rõ ràng nhu cầu cuộc sống thông minh đang tăng lên tại Việt Nam khi thu nhập đầu người tăng, dân số trẻ dễ tiếp cận công nghệ. Các hãng lớn đã có sẵn tệp khách hàng sẽ muốn tận dụng để bán thêm nhiều sản phẩm hơn, vừa giúp mở rộng kinh doanh vừa hoàn thiện hệ sinh thái. Ngoài ra, chỉ sản xuất smartphone trong khi các đối thủ có đầy đủ dải sản phẩm phục vụ cuộc sống sẽ khiến một hãng mất đi nhiều lợi thế, nhất là khi thị trường biến động không ngừng.

Chia sẻ Facebook