Smartphone chỉ có 1 camera đang lùi vào dĩ vãng

Chia sẻ Facebook
13/06/2022 02:48:41

Yêu cầu ngày càng cao của người dùng và sự tiến bộ công nghệ khiến cụm camera trên smartphone ngày càng tân tiến, các smartphone chỉ có 1 camera đang ít đi rõ rệt.

Cụm camera trên smartphone ngày càng được nâng cấp rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Trên những mẫu cao cấp nhất hiện nay như Samsung Galaxy S22 Ultra hay iPhone 13 Pro Max, cụm camera sau nhìn rất hầm hố và có nhiều camera phụ trên đó.

Như chiếc Galaxy S22 Ultra có đến 4 camera khác nhau, phục vụ chụp ảnh góc rộng, góc siêu rộng, và hai camera tele; chưa kể một cụm đèn flash và cảm biến đo độ sâu trường ảnh đặt kế bên. Tổng cộng có 6 thành phần ở mặt lưng sau của chiếc điện thoại.

Cùng với yêu cầu ngày càng cao của người dùng về chất lượng ảnh trên smartphone, nhà sản xuất trang bị nhiều thêm số lượng camera nhằm chụp ảnh đa dạng hơn. Ngược lại, số lượng điện thoại thông minh sở hữu 1 camera đang ngày càng giảm dần.

Smartphone có 1 camera (màu xanh đậm) đang giảm mạnh rõ rệt từ 2019 đến nay. (Nguồn: Counterpoint)

Số liệu của Counterpoint tính tới tháng 3/2022 cho thấy, smartphone có 1-2 camera đang ngày càng ít đi. Trong khi đó, lượng smartphone 3 camera trở lên đang phổ biến hơn.

Đặc biệt, những smartphone sở hữu 4 camera chỉ chiếm số lượng cực nhỏ khoảng 3 năm trước, nhưng nay chiếm đến 25% thị trường. Việc này kéo theo số lượng smartphone có 3 camera trở lên đang chiếm trên 50% tổng điện thoại thông minh bán ra trên toàn cầu.

Cùng với đó, smartphone chỉ được trang bị 1 camera đang bị thu hẹp cực mạnh. Vào năm 2019, một nửa điện thoại trên thị trường đều chỉ có một camera. Song đến nay, cứ 10 smartphone bán ra, chỉ còn khoảng 2-3 điện thoại sở hữu 1 camera.

Tại Việt Nam, ở mức giá từ 2 triệu đồng, người dùng đã có thể sở hữu smartphone có hai camera. Dưới mức giá này vẫn có một số mẫu máy được trang bị camera kép. Việc sở hữu ít nhất hai camera đang dần trở thành tiêu chuẩn đối với smartphone giá rẻ.

Chất lượng ảnh phụ thuộc cả phần cứng và phần mềm

Số lượng camera trên điện thoại góp phần khá lớn vào sự đa dạng ảnh chụp, ví dụ chụp tele, chụp góc rộng, chụp macro, hỗ trợ tạo hiệu ứng xoá phông... Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ khiến cho phần mềm xử lý đóng vai trò rất quan trọng, và tốc độ xử lý của con chip cũng quan trọng không kém.

Chất lượng ảnh chụp từ smartphone ngày càng phụ thuộc cả yếu tố phần cứng lẫn phần mềm. (Ảnh: Hải Đăng)

Chẳng hạn, để chụp tấm ảnh ban đêm ít nhiễu và sáng rõ, camera điện thoại phải chụp liên tiếp hàng chục tấm ảnh, sau đó ghép chúng lại với nhau, dùng thuật toán để loại bỏ chi tiết nhiễu và làm sáng rõ khung cảnh. Muốn vậy, chất lượng ống kính máy ảnh phải tốt, phần mềm xử lý phải tối ưu, đặc biệt bộ vi xử lý máy ảnh phải đủ sức tải toàn bộ quá trình này nhanh nhất có thể.

Những yêu cầu này làm tăng vai trò của phần mềm, ví dụ kỹ thuật kết hợp nhiều khung hình và nhiều camera. Tiến sĩ Hou Weilong, chuyên gia kỹ thuật của HONOR Imaging, cho rằng có rất nhiều khoa học đằng sau máy ảnh smartphone, nhưng mục tiêu của các hãng là loại bỏ sự phức tạp càng nhiều càng tốt để người dùng có thể chụp những bức ảnh đẹp một cách đơn giản.

Judd Heape, Phó chủ tịch phụ trách quản lý sản phẩm của Qualcomm, cho biết sự dịch chuyển vai trò sang phần mềm và thuật toán có nghĩa là sức mạnh xử lý là điều tối quan trọng đối với hiệu suất camera.

Hiện nay, hầu hết các smartphone cao cấp đều thể hiện rất tốt khả năng chụp ảnh. Chúng chứng tỏ được sự đa năng, tiện lợi khi dùng. Thậm chí, rất nhiều nhà làm phim, nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh đã dùng smartphone như các thiết bị dự trù trong nhiều trường hợp.

Chia sẻ Facebook