Sinh viên tốt nghiệp xong đi làm nhà máy, để dành tiền tỷ sau 4 năm

Chia sẻ Facebook
23/03/2022 14:39:48

Thực trạng sinh viên tốt nghiệp đi làm công nhân trong nhà máy đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Được hỗ trợ ăn 3 bữa, bố trí nơi ở và khen thưởng, nhiều người có thể để dành hơn 1 tỷ sau 4 năm.

Tại Trung Quốc, nhiều cử nhân chấp nhận làm việc 12 giờ liên tục mỗi ngày trong nhà máy sản xuất.

Điều này xảy ra vì nhiều sinh viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm và mức lương khởi điểm thấp, trong khi đó nhà máy trả lương khá cao, trung bình có thể tiết kiệm được 125 nghìn tệ/năm (khoảng 450 triệu đồng).

Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều sinh viên xác định rõ việc đi làm chỉ để chuyển tiếp trong thời gian ngắn, hoặc là muốn tiết kiệm tiền nhanh chóng để phục vụ mục đích sau này.

Sinh viên tốt nghiệp xong đi làm công nhân (Ảnh: Sohu)

Việc này được cho là do thu nhập làm việc trong nhà máy không quá thấp, thậm chí có những người được trả lên tới hàng chục nghìn nhân dân tệ. Thêm vào đó, không phải tất cả họ đều bắt đầu từ cấp thấp nhất của dây chuyền lắp ráp, nếu có bằng cử nhân, họ cũng có thể làm việc ở các vị trí hành chính, tài chính, kỹ thuật viên, kỹ sư và các vị trí khác. Ngoài ra, một số nhà máy hỗ trợ ăn 3 bữa, bố trí nơi ở và khen thưởng các cá nhân xuất sắc.

Thông thường, tiền lương của những công nhân mùa vụ sẽ được tính 25 tệ/giờ. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch Covid 19, nhà tuyển dụng khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực nên có thể tăng đến 34 tệ/giờ. Một số sinh viên đã vào làm việc tại nhà máy nhiều lần và có thu nhập lên đến 100 nghìn tệ/năm (khoảng 360 triệu đồng), gấp 3 lần so với lương của 1 giáo viên thông thường.

Với lợi thế như tiếng Hàn, các sinh viên có thể làm việc trong thời gian khoảng 4 năm mà vẫn có số dư tài khoản lên đến 500 nghìn tệ (khoảng 1,8 tỉ đồng). Một sinh viên mới tốt nghiệp tên Bai Jing (Hà Nam, Trung Quốc) nói rằng cô dự định sẽ làm việc trong 3 tháng, kiếm được 20 nghìn tệ (khoảng 72 triệu đồng) để chuẩn bị cho kế hoạch tương lai của mình.

Tuy nhiên, việc lặp đi lặp lại 1 hành động tẻ nhạt mỗi ngày khiến cho nhiều sinh viên kiệt sức và cảm thấy không chắc chắn về tương lai. Mệt mỏi là cảm nhận sâu sắc nhất của mỗi người được phỏng vấn khi mới đặt chân đến nhà máy. Cui Ye, 1 sinh viên mới ra trường tại Tô Châu phải đứng 12 tiếng một ngày trong dây chuyền lắp ráp.

"Cân nặng của tôi đã giảm từ hơn 58 cân xuống còn có hơn 40 cân”. Ngoài ra, tiền lương trong các nhà máy về cơ bản được quyết định bởi giờ làm việc, muốn có lương cao thì chủ yếu dựa vào thời gian làm thêm.

Thêm vào đó, họ còn phải chịu đựng những ánh mắt khinh thường hoặc chế giễu của thế giới bên ngoài. Một số sinh viên chủ động che giấu trình độ học vấn của mình, trong khi một số khác lại thực dụng hơn, chủ động chớp thời cơ để tìm kiếm cơ hội thăng tiến, tăng lương.


Doãn Hùng ( Theo Sohu )

Chia sẻ Facebook