Sinh viên ngày càng tiêu xài “mát tay”, chịu chi cho sở thích cá nhân
Câu chuyện “Sinh viên chi tiêu bao nhiêu một tháng” thật khó để trả lời bằng một con số chính xác. Bởi nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống của mỗi người là khác nhau.
Nhắc đến sinh viên, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cảnh chắt chiu từng đồng, ở ký túc xá hay cuối tháng ăn mì tôm. Tuy nhiên, trong thời đại xã hội ngày càng văn minh và phát triển, điều kiện kinh tế ổn định của gia đình cùng các công việc làm thêm ngoài kia giúp tài chính của các bạn sinh viên vững chắc hơn. Chính vì thế, mức chi tiêu cũng theo đó mà thay đổi rất nhiều.
Nhu cầu mỗi người là khác nhau
Gần đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện đoạn phỏng vấn các bạn sinh viên về việc bản thân tiêu bao nhiêu tiền trong vòng một tháng. Theo đó, nữ sinh tâm sự rằng, tháng nào ít thì bạn chi tiêu ở mức 5-6 triệu đồng. Còn lại, nếu phát sinh nhiều vấn đề khác thì có khi lên đến khoảng 10 triệu đồng. Ngay lập tức, con số này đã khiến nhiều độc giả phải lập tức đưa ra quan điểm.
Có người cho rằng các bạn đang quá lãng phí tiền của, sinh viên chỉ cần tiêu dưới 5 triệu/tháng là đã thoải mái. Nhưng cũng có độc giả lại cho rằng, khi mà vật giá ngày càng leo thang và trở nên đắt đỏ, thật khó cho các bạn sinh viên nếu chỉ tiêu xài với mức giá 5 triệu đồng/ tháng.
Trên thực tế, mỗi người sẽ có những cách chi tiêu cân đối với mức sống của họ. Với những bạn sinh viên, việc chưa thật sự bước chân vào thị trường lao động sẽ làm các bạn ít khi tập trung vào việc tiết kiệm, làm ra 10 thì tiêu đến 8-9. Do đó, việc các bạn chưa đến cuối tháng đã “cạn ví” là hết sức bình thường.
Chia sẻ với YAN , Minh Hoàng (22 tuổi) sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, số tiền cậu phải chi trả cho “cuộc sống tại Hà Nội” có thể lên đến 8 triệu đồng/ tháng. Bên cạnh tiền nhà 2,5 triệu đồng, tiền ăn uống, sinh hoạt 3,5 triệu đồng và tiền điện nước 2,5 triệu đồng, thỉnh thoảng Minh Hoàng còn dành một số tiền lên đến 1,5 - 2 triệu đồng để mua sắm những món đồ bản thân yêu thích.
“Vì ở một mình, lại không có năng khiếu nấu nướng nên mình thường bỏ ăn hoặc ăn ngoài. Do đó, số tiền mình bỏ ra cho ăn uống, cà phê khá lớn so với bạn bè khác” , Minh Hoàng chia sẻ.
Còn với Việt Đức (20 tuổi), cậu giảm được không ít chi phí khi đang ở ghép cùng 1 người bạn trong căn phòng 2,5 triệu đồng. Ngoài ra, việc bố mẹ “tiếp tế” đồ ăn từ quê lên cũng giúp Việt Đức dành dụm được một số tiền nhỏ để tiết kiệm sang tháng sau.
Việt Đức bộc bạch: "Mình mới xin bố mẹ một số tiền khá lớn để đầu tư cho việc học tiếng Anh nên đang cố gắng chắt chiu trong khoản sinh hoạt. Hàng tháng, mình chỉ tiêu hết khoảng 3,5 triệu đồng, một con số hợp lý cho sinh viên năm hai mới lên Hà Nội”.
Làm thêm để trang trải chi phí
Điểm chung của các bạn sinh viên thời nay đều khá năng động. Dù còn trẻ nhưng hầu hết, các bạn đều đã bắt đầu đi làm thêm từ khi mới năm nhất. Có những câu chuyện hay về sinh viên sau khi được YAN TV chia sẻ đã nhận về nhiều sự quan tâm của độc giả.
Như Minh Hoàng và Việt Đức, dù mức lương khi đi làm part-time chưa cao, song lại góp một phần không nhỏ vào chi phí sinh hoạt của hai bạn.
Minh Hoàng tâm sự: “Mình muốn tự lập nên từ khi đi làm thêm, mình đã không còn xin bố mẹ tiền sinh hoạt. Thỉnh thoảng vì tiêu quá mức nên cũng gặp tình trạng ‘cháy ví’. Vì vậy gần đây mình bắt đầu chặt chẽ hơn trong việc chi tiêu, không còn mua quá nhiều quần áo như trước”. Cậu cũng nói thêm: “Sắp tới khi ra trường, có công việc ổn định hơn, mình mong là sẽ giúp bố mẹ trang trải được cả tiền sinh hoạt cho em gái sắp lên Đại học”.
Về phần Huyền Trang (21 tuổi), với tính chất công việc tự do liên quan đến viết content tại nhà, Huyền Trang thường xuyên phải ra quán cà phê để thay đổi không khí. Mà mỗi buổi “lê la hàng quán” như vậy, Trang sẽ chi khoảng 40 nghìn - 50 nghìn đồng. Song, cô cho rằng điều này không quá ảnh hưởng đến kinh tế của mình. Bởi 1 tháng, Trang nhận được mức lương 5 triệu đồng và số tiền này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu chi tiêu của cô.
“Đi làm thêm bằng công sức của mình nên khi dùng tiền để chi tiêu các vấn đề trong cuộc sống, mình cảm thấy vui và tự hào. Vui vì có thể đi làm và có công việc khá ổn định. Tự hào vì không còn khiến bố mẹ phải lo lắng về vấn đề phí sinh hoạt của mình nữa” , Huyền Trang thổ lộ.
Có thể thấy, sự tiện nghi trong cuộc sống gen Z ngày càng cao nên việc các bạn phải chi tiêu với số tiền sinh hoạt trên dưới 5 triệu đồng là điều dễ hiểu. Tất nhiên, có những người chi tiêu 3 triệu đồng vẫn đủ, nhưng cũng có những người 5 triệu đồng đã không thể “trụ” nổi. Đây phụ thuộc lớn vào nhu cầu sinh hoạt của mỗi người. Vì vậy, chúng ta không nên đánh đồng rằng các bạn sinh viên hiện quá hoang phí và không chịu tiết kiệm.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên cũng nên học cách tiết kiệm, chi tiêu vào những món đồ hợp lý, phù hợp với kinh tế thay vì thích gì mua nấy. Bạn nghĩ sao về bài viết này? Hãy chia sẻ bằng cách để lại bình luận ngay bên dưới nhé.
Mỗi người sẽ có một cách chi tiêu khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, mỗi bạn cũng nên có ý thức tiết kiệm, chỉ chi tiêu những khoản thực sự cần thiết. Ngoài ra, các bạn sinh viên cũng nên học về quản lý tài chính để kiểm soát chi tiêu hợp lý, cân bằng các khoản tiền cố định để có thể giảm bớt được những khoản khác. Bên cạnh đó, các bạn có thể đi làm thêm, đầu tư để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.