Sinh vật kì dị 'không mắt' thời cổ đại, sử dụng "cà kheo" để đi lại
Các nhà cổ sinh vật học gần đây đã thông báo về việc phát hiện ra một loài động vật cổ đại gần bờ phía đông của Hồ Simcoe ở miền nam Ontario, Canada.
Được đặt tên là Tomlinsonus dimitrii, loài đại diện trong mẫu vật này là một phần của nhóm động vật chân đốt đã tuyệt chủng được gọi là marrellomorphs sống cách đây khoảng 450 triệu năm, trong thời kỳ Ordovic.
Các hóa thạch da gai khác có nhiều trong khu vực thường chứa các bộ phận cơ thể được khoáng hóa có khả năng bảo tồn rất tốt theo thời gian. Tuy nhiên, Tomlinsonus dimitrii hoàn toàn là một loài thân mềm, khiến việc khám phá ra hóa thạch hoàn chỉnh của nó được xem như một phát hiện gây kinh ngạc.
Tác giả chính của nhóm nghiên cứu là Joseph Moysiuk, cho biết: "Chúng tôi không mong đợi tìm thấy một loài thân mềm tại địa điểm này. Khi nghĩ đến hóa thạch, chúng ta thường nghĩ đến những thứ như xương và vỏ cứng. Tuy nhiên, việc bảo tồn mô mềm là rất hiếm và chỉ có một số địa điểm đặc biệt trên thế giới mới có thể tìm thấy hóa thạch của các sinh vật thân mềm".
Tuy có kích thước 6 cm, chỉ bằng chiều dài ngón tay trỏ và có thể nằm gọn trong lòng bàn tay, nhưng hóa thạch đã cho thấy hình dáng đầy đủ vô cùng kỳ lạ và tuyệt vời của loài Tomlinsonus dimitrii.
Trên chiếc đầu dẹt của sinh vật này được trang trí bởi hai chiếc sừng hình cánh lá răng lược. Cơ thể của nó có phân đoạn giống cơ thể của các động vật chân đốt khác. Giống như côn trùng hoặc nhện, Tomlinsonus dimitrii cũng chứa nhiều bộ chi phân đoạn, trong đó có một cặp chi lớn mang hình dạng khác thường. Toàn thân của sinh vật được bao phủ bởi lớp gai ngắn, tạo cảm giác giống lông vũ.
Điểm đặc biệt nhất, Tomlinsonus dimitrii dường như là loài sinh vật mù bởi không phát hiện được vị trí của con mắt. Nhiều khả năng, cặp chi dài khác thường đã giúp chúng cảm nhận và di chuyển được dưới đáy biển.