Sinh sau đẻ muộn, VinFast có yếu kém không? Báo Pháp "vạch ra" một con số bất ngờ
Chuyên gia thế giới cho rằng VinFast có một tài sản khó công ty nào sánh kịp.
Mặc dù chỉ mới thành lập được 4 năm, nhưng VinFast đã “trình làng” một nhà máy sản xuất ô tô với diện tích và quy mô sản xuất rất lớn. VinFast cho biết rằng công ty đã chiêu mộ nhiều kỹ sư giỏi từ nhiều quốc gia trên thế giới với tham vọng nhanh chóng đưa mình vươn tới tầm thế giới.
NHÀ MÁY TỶ ĐÔ
Vingroup đã giới thiệu với tất cả các khán giả bao gồm nhà báo và các đối tác từ khắp nơi trên thế giới một nhà máy sản xuất xe lớn và hiện đại thuộc hàng TOP với trị giá lên đến 5 tỷ đô la đặt ở Hải Phòng. Vừa mới đây, VinFast còn cho biết rằng hãng đang chuẩn bị mở một nhà máy khác tại Mỹ với giá trị đầu tư ban đầu khoảng 2 tỷ đồng; thậm chí, nhiều tin đồn cho hay rằng VinFast hiện đang có ý định xây thêm một nhà máy khác đặt tại Đức.
Mặc dù chỉ mới thành lập cách đây 4 năm, nhưng VinFast đăng đặt cho mình tham vọng vươn ra thị trường quốc tế và cố gắng thực hiện nó bằng cách dồn toàn bộ nguồn lực hiện tại của mình vào việc sản xuất xe điện.
“Chúng tôi muốn nắm bắt lấy cơ hội này”, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc VinFast Toàn cầu, chia sẻ khi trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí. Theo bà, việc VinFast, một công ty trong nước, có thể sản xuất xe điện là một bước tiến lớn đối với thị trường xe và xe điện, giúp phân khúc khách hàng tầm trung dễ dàng tiếp cận được với xe hơi.
NHÂN SỰ TỪ KHẮP THẾ GIỚI
Việc lắp đặt các nhà máy, thiết lập các quy trình công nghiệp, thực hiện quản lý chuỗi cung ứng, v.v không hề dễ dàng. Để làm được những điều đó, VinFast đã tập trung tìm kiếm và chiêu mộ các giám đốc quản lý, các nhà quản trị nhân sự tài ba từ khắp nơi, ví dụ như như Giám đốc sản xuất Sean Calvert và Giám đốc thiết kế David Lyon từ General Motors.
Trong số những người làm việc tại VinFast, nhiều trang quốc tế cũng đưa tin rằng có những người mang quốc tịch Pháp, ví dụ như như ông Frank Euvrard - cựu quản lý kỹ thuật của hãng Faurecia, Emmanuel Bret, cựu giám đốc tiếp thị và marketing của BMW tại Pháp. Ngoài ra, không thể không kể tới vị cựu Giám đốc VinFast Toàn cầu - Michael Loshcheller, người từng nắm giữ vị trí rất cao tại Opel. Tuy nhiên, đáng tiếc là Michael Loshcheller chỉ ở lại với VinFast trong 5 tháng trước khi phải rời đi vì lý do cá nhân.
VinFast cũng đã làm việc với rất nhiều các đối tác khác trên thế giới để đưa ra các quy trình sản xuất chuẩn, trong đó phải kể tới Magna Steyr từ Áo. Về phần thiết kế xe, VinFast đã làm việc trực tiếp với Pininfarina, một studio nổi tiếng của Ý. Thêm vào đó. Nhà máy cũng đặt mua cả nghìn robot các loại từ ABB, một nhà sản xuất robot tân tiến của Thụy Điển.
"KHÔNG ĐI THEO LỐI MÒN"
Một giám đốc điều hành hiện tại của VinFast cho biết: “VinFast học hỏi thành tựu từ các "ông lớn" rất nhanh, và hơn hết là họ không đi theo lối mòn của các công ty khác”. Vị giám đốc này cũng cho biết rằng VinFast khiến các nhà đầu tư tài chính trên thế giới phải chú ý đến vì phương thức đầu tư thần tốc của mình. Trị giá đầu tư cho lĩnh vực xe điện của VinFast tính đến hiện tại đã đạt đến con số hơn 7 tỷ đô la, một con số khổng lồ.
Trên thực tế, Vingroup xuất hiện ở đa ngành đa lĩnh vực, bao gồm: Khách sạn, nghỉ dưỡng, bất động sản,… và được đánh giá là tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Nên thực chất, đối với Vingroup, khoản đầu tư cho VinFast dường như đã “nằm trong dự tính”.
Ngay cả khi thị trường xe điện của VinFast ở Việt Nam không đạt được thị phần như mong muốn, thông qua việc tạo ra một thương hiệu mang tính quốc gia, Vingroup muốn cân bằng lại cán cân thương mại của đất nước trong ngành giao thông vận tải bằng cách làm hạn chế thị trường xe nhập khẩu khiến Việt Nam không còn bị phụ thuộc quá nhiều vào các phương tiện nước ngoài. Ngoài ra, việc hình thành VinFast cũng tạo ra nhiều việc làm cho thị trường và thu hút vốn đầu tư của các nhà sản xuất nước ngoài.
PHÁT TRIỂN THẦN TỐC
Theo dự tính, để có thể cạnh tranh với các thương hiệu đã tồn tại từ lâu trên thị trường như Hyundai, Toyota, Tesla, v.v, VinFast cần phải sản xuất và bán ra một số lượng xe lớn. Cách duy nhất để thực hiện điều này là phải quốc tế hóa để đưa thương hiệu đi thật xa và đi thật nhanh.
Nhà máy sản xuất ở Hải Phòng đang có công suất khoảng 250.000 xe điện mỗi năm, và có thể nâng lên 500.000 chiếc mỗi năm. Công suất ước tính của nhà máy tại North Carolina tại giai đoạn đầu là 150.000 chiếc mỗi năm.
Hiện tại, VinFast chưa công bố địa điểm nhà máy cũng như quy mô của nhà máy tại Châu Âu - Đức. Khi đặt công suất của VinFast đứng cạnh nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất Châu Âu, VinFast đủ sức sánh ngang với đàn anh, thậm chí còn nhỉnh hơn dù sinh sau đẻ muộn.
Một chuyên gia trong ngành nhận xét: “Các giám đốc điều hành của Vingroup có vẻ đang phải làm việc với hiệu suất tối đa khi họ tự đặt cho mình mục tiêu và buộc phải đạt được mục tiêu đó”.
Trong một năm, VinFast đã lắp đặt tổng cộng 40.000 trạm sạc cho xe điện tại Việt Nam. Trong khi đó, so với Pháp, tốc độ lắp đặt trạm sạc dành cho xe điện ở nước này vào khoảng 54.000 trạm trong thời gian 5 năm. Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, ngoài tài sản hữu hình, tốc độ và công suất của VinFast là một tài sản khó công ty nào sánh kịp.
VINFAST ĐƯỢC ĐỊNH GIÁ 60 TỶ USD?
VinFast đang đầu tư một nguồn lực khổng lồ vào công cuộc chạy đua làm xe điện. Song, để phát triển nhanh và mạnh hơn nữa thì việc chỉ sử dụng nguồn lực và tài nguyên tự thân là điều không thể, và cậu "em út" này mong muốn có thể sử dụng được các nguồn tài nguyên và con người từ các quốc gia khác.
Dẫn giải cho việc đó, VinFast vừa công bố kế hoạch niêm yết lần đầu tại thị trường New York. Việc này nhằm mục đích huy động thêm 2 tỷ đô tiền đầu tư. Các trang báo chí tại Mỹ đưa ra mức định giá cho VinFast tương đương 60 tỷ đô la.
Nhưng VinFast có nguy cơ phải chịu sức ép tới từ thị trường này khi có thể sẽ không có lãi trong một vài năm tới. Ngay cả Tesla cũng phải mất một thập kỷ để bắt đầu có được lợi nhuận.
Từ khi VinFast hoàn thiện nhà máy tại Hải Phòng, hãng xe này đã không ngần ngại mà mở cửa đón tiếp các vị khách truyền thông từ nước ngoài, trong đó có La Tribune, tới và chiêm ngưỡng nhà máy tại khu vực rộng 338ha. Trong khi một tập đoàn xe lớn trên thế giới dường như phải "thắt lưng buộc bụng" đối với diện tích nhà máy, chú trọng tới hiệu quả sản xuất thì VinFast ở chiều ngược lại, đang đầu tư cho những cơ sở với diện tích lớn, đó là chưa kể tới công suất sản xuất và kích thước của nhà máy, cho thấy một tinh thần quyết liệt.
Ngoài sản xuất ô tô điện, nhà máy của VinFast còn sản xuất pin xe điện và xe máy điện. Và để minh chứng cho tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của người Việt, nhà máy này được xây dựng chỉ trong vòng 21 tháng trên khu đất mà trước đây là một vùng đầm lầy trũng.
SẢN PHẨM CAO CẤP
Rủi ro đối với VinFast đến từ khả năng sản xuất vượt qua nhu cầu thị trường và chi phí sản xuất cao. VinFast tin rằng sản phẩm của họ đủ khả năng để thâm nhập vào thị trường vốn đã quá cũ kỹ và lạc hậu ở một số quốc gia. Dự kiến 5 mẫu xe sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu 5 phân khúc của thị trường, từ phân khúc hạng A tới hạng E.
Mục tiêu được đặt ra là xây dựng những mẫu xe cao cấp [nhiều trang bị, chất lượng hoàn thiện tốt] và cung cấp dịch vụ hậu mãi mang tính đột phá. Tuy vậy, VinFast vẫn hướng tới việc bán ra với một mức giá vô cùng cạnh tranh.
Tại châu Âu, VinFast VF8 (mẫu SUV hạng D) được bán với giá 43.350 euro, đi kèm với phí thuê pin khoảng 120 euro mỗi tháng. Cự ly di chuyển của mẫu xe này cũng rất đáng chú ý, khi có thể di chuyển tới 420km (theo chuẩn WLTP) chỉ với một lần sạc đầy. Tuy nhiên, việc cho thuê pin có thể khiến chi phí sở hữu / sử dụng chiếc xe trở nên nhập nhằng.
Từ góc nhìn của văn hóa phương Tây, chúng tôi thấy rằng người Việt Nam không cam chịu mà luôn khát khao vươn tới thành công.
Người Việt cũng rất linh hoạt mà điều chỉnh kế hoạch chiến lược của mình và cũng rất biết cách thích ứng. Tại Việt Nam, thành công của VinFast không chỉ cải thiện tình trạng việc làm, điều này còn giúp nâng cao vị thế quốc gia và tự hào dân tộc.
Nguồn: La Tribune
Trải nghiệm VinFast VF8, “Nữ hoàng review” Supercar Blondie: Tôi sốc