Singapore hướng đến nền kinh tế hydrogen
Chính phủ và doanh nghiệp Singapore đang đặt cược một tương lai năng lượng đầy tiềm năng và ổn định vào hydrogen - nguồn nhiên liệu thay cho carbon có thể lưu trữ và thân thiện môi trường nhưng không dễ sản xuất.
Ngày 25-10, Phó thủ tướng Singapore Lawrence Wong công bố chiến lược hydrogen của đảo quốc sư tử với các mục tiêu cụ thể với tham vọng đưa nhiên liệu sạch này thành nguồn năng lượng chính yếu và lâu dài.
Nhưng ngay lúc này, nhiều câu hỏi đã đặt ra như liệu hydrogen có phải "viên đạn bạc" để xóa bỏ carbon? Liệu một quốc gia nhỏ và hạn chế tài nguyên như Singapore có thể thực hiện bước nhảy táo bạo này không?
Thế giới đang đứng trước bước ngoặt trong phát triển hydrogen toàn cầu. Với những phát triển tích cực này, Singapore tin rằng hydrogen carbon thấp sẽ đứng đầu trong nỗ lực giảm phát thải của Singapore.
Phó thủ tướng Singapore Lawrence Wong nói.
Tiềm năng rất lớn
Để làm được điều đó, Singapore cần có các kế hoạch cụ thể. "Nếu công nghệ tiếp tục phát triển, chúng tôi dự đoán hydrogen có thể đáp ứng được một nửa nhu cầu điện năng của Singapore vào năm 2050, bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo trong nước và điện nhập khẩu", Hãng tin AFP dẫn lời ông Wong.
Phó thủ tướng Singapore cũng nói nước này sẽ nâng mục tiêu đưa phát thải carbon xuống còn 60 triệu tấn vào năm 2030, giảm 5 triệu tấn so với trước đó.
Hydrogen là loại năng lượng tiềm năng để thay thế carbon, trong bối cảnh nguồn cung năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng vì xung đột Nga - Ukraine. Với khả năng triển khai rộng rãi, hydrogen có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với một nước hạn chế về tài nguyên như Singapore.
"Chúng ta không có đất cho các cánh đồng gió hay năng lượng mặt trời, hay các dòng sông để tạo ra thủy điện", ông Wong giải thích.
Singapore sẽ bắt tay ngay vào thử nghiệm công nghệ mới như tạo ra điện từ hydrogen sạch từ năm 2027, đầu tư mạnh hơn cho nghiên cứu... Đảo quốc này cũng sẽ phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với việc chuyển đổi, như các cơ sở sản xuất hydrogen quy mô lớn và bồn áp suất cao để chứa nhiên liệu.
Theo ông Wong, Chính phủ Singapore sẽ hợp tác với các đối tác trong ngành và quốc tế để xây dựng chuỗi cung ứng, đồng thời phát triển khuôn khổ và tiêu chuẩn chứng nhận nguồn gốc hydrogen sạch.
"Là một nhà nhập khẩu ròng hydrogen, điều quan trọng là chúng ta phải có các nguồn cung đáng tin cậy và đa dạng", ông Wong nói. Ngoài ra, việc hợp tác cũng giúp Singapore có thêm các ý kiến tham vấn và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào chiến lược hydrogen quốc gia, theo Đài Channel News Asia.
Thách thức không nhỏ
Quá trình sản xuất hydrogen xanh từ năng lượng tái tạo, như gió và mặt trời, sẽ không tạo ra phát thải nguy hiểm. Đây là loại nhiên liệu lý tưởng vì nhẹ, có thể lưu trữ và khi sử dụng chỉ thải ra nước. Tuy nhiên, nhiều công nghệ hydrogen vẫn đang được phát triển và hiện chưa có chuỗi cung ứng toàn cầu cho nhiên liệu này. Việc sản xuất hydrogen trên quy mô lớn với chi phí tiết kiệm, hiệu quả vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Tuy nhiên, nhiều nước tới nay đã có những bước tiến lớn trong việc phát triển hydrogen. Nhờ chiến lược hydrogen đầy tham vọng của Liên minh châu Âu, phần lớn các dự án hydrogen mới đang tập trung tại "lục địa già". Đây cũng là nơi tập trung nhiều dự án sản xuất thép bằng hydrogen, trong bối cảnh ngành thép phát thải rất nhiều carbon. Các khu vực khác đang bắt kịp, với số lượng các dự án mới công bố tăng mạnh thời gian qua.
Tại vương quốc dầu mỏ Saudi Arabia, chính quyền đang chuẩn bị xây một thành phố tương lai trị giá 500 tỉ USD ở Biển Đỏ sử dụng năng lượng chính là hydrogen do một nhà máy trị giá 5 tỉ USD cung cấp. Đây sẽ là cơ sở sản xuất hydrogen xanh lớn nhất thế giới.
Nhật Bản cũng có một trong những nhà máy sản xuất hydrogen xanh lớn nhất thế giới gần Fukushima, với lượng hydrogen sản xuất mỗi ngày đủ cung cấp năng lượng cho khoảng 150 ngôi nhà trong một tháng.
Năm ngoái, Thủ tướng Úc Scott Morrison cam kết "sản xuất hydrogen sạch rẻ nhất thế giới", ở mức 2 đô la Úc (1,2 USD) mỗi kg. Mức giá này sẽ khiến hydrogen trở thành giải pháp thay thế khả thi cho các loại nhiên liệu thông thường. Mới đây, một hãng công nghệ hydrogen của Úc vừa công bố một bước "đột phá" có thể sản xuất hydrogen quy mô lớn với giá dưới 2 đô la Úc/kg vào năm 2025.
Chiến lược hydrogen quốc gia của Singapore
Thử nghiệm các công nghệ hydrogen tiên tiến sẵn sàng cho thương mại. Đầu tư 130 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ. Làm việc với ngành công nghiệp để mở rộng chuỗi cung ứng hydrogen sạch. Triển khai cơ sở hạ tầng mới để nhập khẩu, lưu trữ và biến đổi hydrogen thành năng lượng. Phát triển các ngành công nghiệp mới liên quan đến giao dịch, chứng nhận, vận chuyển, lưu trữ hydrogen.
Theo Trần Phương