Sim rác và rác sim
Sim rác, nhiệm vụ xả rác. Nó mang thêm chức năng... lừa. Hàng triệu sim rác trôi nổi, rõ ràng không thể không có trách nhiệm của các nhà mạng.
Các báo liên tục đưa tin, gần như nhắc nhở hàng ngày, về thời gian các sim rác, tức sim không chính chủ, sim “vô thừa nhận”, sim trôi nổi... bị khóa một chiều, rồi khóa hai chiều, thế mà tới hôm qua vẫn còn hơn 1 triệu sim bị khóa hai chiều, tức là họ không chuẩn hóa thông tin, cũng tức là họ... không cần sim ấy, cũng tức là, đa phần các sim ấy đã... hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiệm vụ gì? Nhiệm vụ xả rác.
Từ khi có các mạng điện thoại di động, đời sống chúng ta đã văn minh, tiện lợi lên rất nhiều. Không còn cảnh hùng hục lao tới cái điện thoại bàn mỗi khi nó réo lên, hoặc luôn luôn thủ cái thẻ trong túi để tới các trụ điện thoại công cộng, thậm chí là vào bưu điện điền vào phiếu “Đơn xin gọi điện thoại” rồi chờ sự chỉ dẫn, kết nối của điện thoại viên, vào cái buồng, nhấc máy lên nói chuyện, xong ra quầy trả tiền tính theo phút.
Chúng ta mỗi người một, hoặc hai con điện thoại di động trong túi, từ hồi điện thoại như cục gạch tới iPhone, Samsung mỏng tang nhiều chức năng sau này.
Và xã hội lại sinh ra một nghề mới, đa phần dành cho các bạn trẻ, nhiều bạn coi đấy như nghề chính đáng, như một cách khởi nghiệp: nghề gọi điện thoại cung cấp thông tin, chào mời, giới thiệu sản phẩm. Sau, nó nhiều, nó loạn, nó tưng bừng tới mức bèn phải gọi nó là rác. Nó khiến nhiều người phát khùng, nhiều gia đình điên đảo, nhiều nhà tán gia bại sản...
Vì nó mang thêm chức năng... lừa.
Tới mức nhiều người không dám nghe điện thoại số lạ, tức số không có tên người gọi, tức mình chưa lưu tên người gọi. Hoặc có nghe thì rất rụt rè e ngại. Nên nhiều người bỏ lỡ những cuộc gọi cần kíp, những cuộc gọi có giá trị, vì rất sợ điện thoại rác.
Mà số thực hiện gọi rác này, ban đầu họ còn rụt rè e ngại, thưa gửi, sau này, họ coi đối tượng họ gọi để lừa như... đồng bọn, nếu phản ứng lại là họ mắng mình trước. Tôi gọi mắng là còn nhẹ, chứ thật sự là họ chửi phủ đầu mình.
Hồi đầu nhẹ nhàng kiểu: Em ở ban liên lạc dòng họ, vừa rồi có xuất bản cuốn sách họ ta, có một bài viết về anh, mời anh mua. Nhiều người tưởng thật bèn mua, tìm mãi chả thấy thông tin gì về mình. Riêng tôi, là nhà văn nên thi thoảng đùa lại: Anh trong ban biên soạn cuốn ấy, anh còn thừa mấy chục cuốn, em bán hộ anh nhé...
Sau này là... đòi nợ. Gọi điện khủng bố, bất kể giờ giấc, dọa dẫm, xúc phạm nhân phẩm. Không chỉ con nợ, mà bố mẹ vợ/ chồng anh em, tới bạn bè và thủ trưởng của con nợ, dù hoàn toàn không liên quan cũng bị réo. Điện thoại suốt ngày suốt đêm, những cuộc khủng bố kinh hoàng khiến chủ điện thoại phải tắt máy. Mà điện thoại là để thông tin, phải tắt máy thì nó khác gì... cục gạch.
Rồi lừa, đủ kiểu lừa. Những là góa phụ có của hồi môn ư, những là bá tước vợ mới mất rất giàu thích gái Việt dịu dàng tình cảm ư, những là có hàng nước ngoài gửi về ư, những là bưu phẩm ư, những là bộ 4T thông báo khóa sim sau 2 tiếng nữa ư, những là công an, viện kiểm sát, tòa án ư... cứ thế mọi nơi mọi lúc mọi chỗ...
Thực ra thì, đâu cũng thế, ra nước ngoài cũng vậy. Xuống sân bay quốc tế có 2 việc phải làm trước khi lên tắc xi vào thành phố là đổi tiền và mua sim, và đều phải trình hộ chiếu. Còn trong nước, nguyên tắc là, muốn kích hoạt phim thì phải có thông tin, tức phải trình hộ khẩu, hoặc chứng minh nhân dân, và căn cước công dân bây giờ.
Nhưng thực sự thì đấy, tới hôm qua vẫn còn hơn 1 triệu sim không khai báo thông tin, tức nó không cần thiết với chủ nó, tức nó trôi nổi, tức nó là thủ phạm của các cuộc tra tấn cuộc sống người dân lâu nay. Bởi, nếu cần thiết thì dân ta, như thường lệ, lại chả chen chúc đăng ký ngay, như ngày đầu mới thông báo, nghe nói phải lấy số, phải xếp hàng, chen chúc để làm.
Rõ ràng không thể không có trách nhiệm của các nhà mạng.
Chắc chắn là có những quy định rất cụ thể và chặt chẽ, nhưng một mặt là buông lỏng quản lý, mặt nữa là các nhà mạng lách quy định, nên nghe nói có những công ty đòi nợ mua cả ngàn cái sim kích hoạt sẵn, giao cho nhân viên thoải mái tra tấn khách hàng. “Tra tấn”, vâng, phải dùng đúng từ như thế, để đạt mục đích cuối cùng, nên cũng cần có... nghệ thuật, từ mềm dẻo lừa đảo tới sấn sổ hầm hố kiểu xã hội đen trên mạng.
Thì nó cũng như bảo hiểm nhân thọ đang sốt bây giờ. Chính sách là đúng, việc làm là rất đúng, nhưng nhân viên thực hiện, mỗi người có một “nghệ thuật” riêng để đạt mục đích cuối cùng là khách hàng bỏ tiền càng nhiều càng tốt, và giờ nó thành một cuộc khủng hoảng mà để trở lại mục đích tốt đẹp như bản chất vốn có của nó, có khi phải mất cả một thời gian dài nữa.
Thôi thì, hy vọng sau ngày 15/5, dân Việt chúng ta lại vui phơi phới, ai gọi tới, có lưu số hay không, chúng ta đều hớn hở vui tươi niềm nở rút máy ra nghe. Và báo chí sẽ mất đi một mục hot nhưng đau xót và buồn cười là chỗ ấy chỗ kia có người này người nọ bị lừa sau một cú điện thoại. Buồn cười là có những cuộc ra ngân hàng chuyển tiền cho bọn lừa, nhân viên ngân hàng phát hiện, khuyên bảo không nghe, sang ngân hàng khác để... chuyển bằng được. Nhân viên ngân hàng, may thay, cũng có trách nhiệm, bèn báo công an. Thế mà cũng phải tranh cãi căng thẳng mãi mới tỉnh, rồi cám ơn rối rít ngân hàng và công an vừa giúp mình thoát cú lừa ngoạn mục. Còn những vụ đã hoàn thành thì, trên báo đầy.
Đang viết bài này thì một cuộc điện thoại gọi tới, số +1 (376) 504-0122, tất nhiên là tôi không nghe, nhưng mở loa ngoài để... nghe nhạc lấy cảm hứng viết tiếp...
Hơn một triệu cái sim rác, một tháng nữa thì thành... rác sim.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.