Siêu trung tâm liên kết sản xuất, chế biến nông sản của vùng ĐBCSL có gì?

Chia sẻ Facebook
09/09/2022 22:04:32

Dự kiến sau khi thành lập, trung tâm hoạt động đa dịch vụ, đa chức năng sẽ là cầu nối tin cậy đưa nông sản Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất khẩu ra thị trường quốc tế, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà xuất khẩu nông sản.

Chiều 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thảo luận các vấn đề xung quanh Đề án xây dựng “Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL được thành lập theo cơ chế đặc thù, không chỉ là một khu công nghiệp, khu kinh tế mà sẽ vận dụng hết những chính sách để phục vụ cho nông sản ĐBSCL.

Trung tâm hoạt động đa dịch vụ, đa chức năng và có thể sẽ hoạt động như một trung tâm dịch vụ hành chính công, thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), với chức năng liên kết chế biến, Trung tâm sẽ thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, các địa phương liên kết với các doanh nghiệp chế biến tại trung tâm để tận dụng tối đa những phế thải của nơi này thành đầu vào sản xuất cho nơi khác, tận dụng lao động của vùng nguyên liệu cho những công đoạn chế biến thô và chuyển sản phẩm sơ chế về cơ sở chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Với chức năng liên kết tiêu thụ, Trung tâm hướng tới việc liên kết cùng các trung tâm đầu mối khác trong vùng ĐBSCL phối hợp tổ chức và khai thông các kênh tiêu thụ, là cầu nối tin cậy đưa nông sản ĐBSCL xuất khẩu ra thị trường quốc tế và thị trường trong nước; mời gọi các nhà cung cấp giải pháp công nghệ cao, công nghệ số trong tổ chức xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo UBND TP.Cần Thơ phối hợp với các cấp, ngành và các đơn vị có liên quan tăng tốc hoàn thiện đề án, sớm trình Thủ tướng phê duyệt quyết định thành lập trong năm 2022.

Theo Đề án, trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025, Trung tâm có diện tích khoảng 450ha, vị trí quy hoạch tại phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) và xã Giai Xuân (huyện Phong Điền), trong đó tập trung ứng dụng các công nghệ bảo quản, phát triển chuỗi lạnh, đầu tư hệ thống vận chuyển, hậu cần nhanh chóng và thuận tiện; xây dựng các trung tâm một cửa kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng hàng hóa và được công nhận tương đương với các nước nhập khẩu tại ĐBCSL.

Nguồn vốn đầu tư huy động 100% vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước bao gồm vốn đầu tư hạ tầng và vốn đầu tư công trình sản xuất kinh doanh. Tầm nhìn đến năm 2050, trung tâm có diện tích 3.300 ha.


Theo Dương Hưng

Chia sẻ Facebook