Siêu thị tìm cách kìm giá hàng thiết yếu
Giá nhiều loại thực phẩm tăng thêm trong thời gian qua, trong đó có nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, gà, trứng… ảnh hưởng trực tiếp đến bữa cơm của nhiều gia đình.
Các nhà sản xuất cho biết đang tính toán để tăng giá do chịu không nổi với chi phí tăng cao, trong khi các đơn vị bán lẻ gồng mình giữ giá để giữ khách.
Thực phẩm nội, ngoại nhập đều tăng giá
Theo ghi nhận, giá bán nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm đã được điều chỉnh tăng thêm và neo ở mức cao.
Thịt gà đông lạnh nhập khẩu tại TP.HCM bán sỉ (thùng 15kg) với ức gà 65.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại, cánh gà 58.000 - 70.000 đồng/kg, đùi gà tỏi từ 55.000 - 65.000 đồng/kg. Mức giá trên được người bán cho biết đã tăng 15% so với hơn một tháng trước và khoảng 50 - 60% so với năm ngoái.
Đại diện Công ty nhập khẩu thực phẩm H2T Foods (TP.HCM) cho biết giá thịt gà ngoại nhập tăng mạnh thời gian qua, đặc biệt 2-3 tháng gần đây tăng liên tiếp, là do nguồn cung gà từ các thị trường lớn như Mỹ đang giảm đẩy giá tăng, kèm theo chi phí vận tải tăng cao.
Tương tự, theo ghi nhận ngày 2-7, giá thịt gà trong nước bán lẻ tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở TP.HCM đang ở mức khá cao với ức gà phi lê 95.000 - 120.000 đồng/kg, cánh gà 85.000 - 105.000 đồng/kg, đùi gà 75.000 - 95.000 đồng/kg...
Tại nhiều siêu thị, trừ trái cây, giá bán nhiều mặt hàng tươi sống như rau củ, hải sản tăng 15 - 40% so với lúc ổn định và đang neo khá cao như xà lách 60.000 đồng/kg, khổ qua 25.000 - 30.000 đồng/kg, cá ba sa 60.000 đồng/kg, mực trên dưới 220.000 đồng/kg tùy loại...
Một số doanh nghiệp sản xuất dầu ăn cho biết trong tháng tới sẽ có thêm một đợt tăng giá do giá nguyên liệu nhập khẩu tiếp tục tăng. Và đây là đợt tăng giá thứ 4 trong hơn 3 tháng qua với mức tăng bình quân 10.000 - 25.000 đồng/lít tùy loại, và tăng trên dưới 35.000 đồng/lít so với năm ngoái.
Siêu thị tăng hàng dự trữ, tìm nguồn cung
Nhiều siêu thị như MM Mega Market, Lotte Mart... cho biết đang cố gắng kìm giá bán nhưng khả năng trong tháng 7 sẽ có thêm các nhà cung cấp đề xuất tăng giá bán với hàng thiết yếu.
Để hạn chế mức tăng giá, đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết đã chủ động tăng 30% lượng hàng dự trữ trong 2 tháng tới, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gạo, đường. Hệ thống này cũng tăng 35% lượng rau từ Đà Lạt, lên mức 80 - 100 tấn/ngày.
"Tăng lượng thu mua giúp chúng tôi có cơ sở yêu cầu nhà cung cấp bán với mức giá tốt hơn, và duy trì được giá bán ổn định nhờ lượng hàng dự trữ lớn. Ngoài ra, với khoảng 60% chương trình khuyến mãi đang do đơn vị chịu toàn bộ chi phí, MM tự tin có thể kìm việc tăng giá với các mặt hàng thiết yếu", vị này khẳng định.
Đại diện siêu thị Lotte Mart, Vinmart... cho biết ngoài tăng lượng hàng dự trữ còn đang chấp nhận giảm lợi nhuận để phối hợp với nhà cung cấp tăng cường các chương trình khuyến mãi 10 - 20% cho những mặt hàng có mức tăng giá cao như dầu ăn, nước mắm, gia vị, gạo, sữa...
Bằng phương pháp tăng mạnh nguồn cung cho nhóm nhãn hàng riêng, đại diện Saigon Co.op cho biết có thể chủ động kìm giá đầu vào nhiều mặt hàng thiết yếu như nước mắm, gạo, đường... nên sẽ hạn chế tăng giá bán.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết vừa có buổi làm việc với các công ty sản xuất và hệ thống phân phối tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp trong 10 nhóm hàng lương thực thực phẩm đều cam kết đảm bảo nguồn cung và mức giá bình ổn thời điểm này, trong đó có cả mặt hàng giá tăng nóng thời gian qua là dầu ăn, đường...
"Để ổn định nguồn cung lương thực thực phẩm giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, siêu thị duy trì giá bán ổn định, TP đang tăng mạnh các đợt kết nối cung cầu với nhiều tỉnh thành, trong đó tháng 7 sẽ có 3-4 đợt kết nối cho hàng chục siêu thị", đại diện đơn vị này khẳng định.
Lạm phát 6 tháng đầu năm 2022 theo Tổng cục Thống kê chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhiều người dân, doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng con số này chưa phản ánh hết "sức nóng" của tăng giá hàng hóa, dịch vụ.