Siêu thị Mỹ hạn chế các chương trình giảm giá

Chia sẻ Facebook
04/10/2022 00:10:15

Tại Mỹ, người tiêu dùng không còn nhìn thấy chính sách ưu tiên khuyến mãi như “mua một tặng một” hay “chai soda 2 lít giá 99 xu” nữa.

Giới bán lẻ cho biết tần suất và mức độ giảm giá của các cửa hàng tạp hóa Mỹ hiện thấp hơn so với hồi năm 2019. Điều này khiến các chủ cửa hàng phải bán nhiều mặt hàng hiếm, ít phổ biến hoặc mất tiền chạy quảng cáo cho những mặt hàng chủ lực để thúc đẩy chi tiêu.

Trung bình 20,6% sản phẩm thực phẩm và đồ uống đã được giảm giá trong quý III năm nay, theo công ty nghiên cứu Information Resources Inc, tức thấp hơn một chút so với mức 25,7% cùng kỳ năm 2019. Mức khuyến mại giảm đối với hầu hết các danh mục thực phẩm, ngoại trừ thịt, theo WSJ.

Nhiều nhà sản xuất thực phẩm, trước đây vốn hỗ trợ các siêu thị giảm giá và đẩy mạnh bán hàng cho biết, tình trạng thiếu hụt và gián đoạn chuỗi cung ứng khiến sản lượng của họ giảm đột ngột. Nhiều siêu thị thậm chí phải trả giá cao hơn để giữ đầy các kệ hàng.

Trong khi đó, một số chuỗi siêu thị lớn, chẳng hạn như Walmart và Target lại đang phải vật lộn với tình trạng dư thừa hàng tồn kho. Những tháng gần đây, 2 gã khổng lồ này buộc phải tung ra chương trình giảm giá để loại bỏ dần các sản phẩm còn tồn do tính toán sai nhu cầu khách hàng từ đầu năm.

Theo Kosta Drosos, tổng giám đốc Fresh Market Place tại Chicago, cửa hàng đã không thể giảm giá sữa chua và các sản phẩm từ sữa trong suốt gần 5 tháng qua trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt. Nguyên nhân là bởi số lượng bò sữa chăn thả trong các trang trại Mỹ giảm mạnh do chi phí đầu vào tăng cao, từ thức ăn, nhân công đến một các mặt hàng liên quan khác. Lợi nhuận tại đa số các chủ trại theo đó giảm mạnh, bất chấp việc giá sữa tăng cao phi mã.

Trung bình 20,6% sản phẩm thực phẩm và đồ uống đã được giảm giá trong quý III năm nay, theo công ty nghiên cứu Information Resources Inc.

Ông Drosos mới đây đã từ chối lời đề nghị giảm giá 10% từ một công ty sản xuất nước dùng với điều kiện là Fresh Market Place phải mua 1.200 gói mỗi vị. Ông Drosos cho rằng mức chiết khấu 25 xu trên giá bán lẻ không hề xứng đáng. Thay vào đó, Fresh Market đang chịu lỗ để chạy các chương trình khuyến mãi vào Ngày Lao động đối với tương cà, mù tạt và các mặt hàng khác. “Thật khó để chạy bất cứ thứ gì trên quảng cáo,” anh nói.

Theo Jim Hertel, phó chủ tịch cấp cao của Inmar Intelligence, một công ty nghiên cứu thị trường, các nhà sản xuất thực phẩm thường dành ra khoảng 15%-18% doanh số tại một điểm bán lẻ để tài trợ cho các chương trình khuyến mãi. Đây được coi là một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu khách hàng và khiến họ chi tiêu nhiều hơn.

Ông John Frey, một lao động đã về hưu sống cùng vợ ở Kingsport, Tenn, tâm sự trước đây, cửa hàng tạp hóa Aldi gần nhà ông thường chạy các đợt giảm giá lớn. Giờ đây, chỉ một số sản phẩm thịt sắp hết hạn hoặc pizza lỗi trong quá trình giao hàng mới nằm trong diện được hạ giá.

“Nó đã thay đổi cách tôi nấu ăn và mua sắm”, ông Frey nói, đồng thời cho biết đang dần chuyển sang thực phẩm cấp đông và tìm cách chế biến các món ăn giá rẻ.

Theo các chuyên gia, các chương trình khuyến mãi khó có thể khả thi trong thời gian tới nếu những thách thức về nguồn cung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điển hình như công ty Kraft Heinz vừa cho biết họ khó có thể chiết khấu như hồi năm 2019, đồng thời phải sử dụng dữ liệu phân tích để kinh doanh hiệu quả hơn.

“Điều chúng tôi không bao giờ muốn, đó là cung ít hơn cầu”, giám đốc điều hành Joey Bergstein của công ty Sabra Dipping nói. Trước đây công ty này chạy rất nhiều chương trình giảm giá để mở rộng kinh doanh.


Theo: WSJ


Vũ Anh

Chia sẻ Facebook