"Siêu nợ thuế SDI" hút hơn 6.500 tỷ từ trái phiếu làm ăn ra sao?
Được thành lập từ năm 1999 nhưng đến năm 2016, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) bỗng nhiên không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính (doanh thu thuần). Tình trạng này kéo dài tới tận năm 2021...
"Siêu nợ thuế SDI" hút hơn 6.500 tỷ từ trái phiếu làm ăn ra sao?
SDI chính là “quán quân” nợ thuế 404,5 tỉ đồng theo thông báo số 6534 của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế đợt 2/2022.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, SDI được thành lập ngày 21/4/1999. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư, xây dựng nhà các loại bao gồm: sân golf, dịch vụ thể dục thể thao, dịch vụ vui chơi giải trí, công viên nước, công viên cây xanh, kinh doanh phát triển nhà ở.
Tháng 6/2016, SDI nâng vốn điều lệ từ 845 tỷ đồng lên mức 3.845 tỷ đồng và duy trì đến cuối năm 2021.
SDI được biết đến là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, có địa chỉ tại phường An Phú, quận 2 (nay là TP Thủ Đức), TP. Hồ Chí Minh. Thời gian gần đây, dự án này được quảng bá rầm rộ với tên The Global City.
NỢ PHẢI TRẢ GẤP 17 LẦN VỐN CHỦ SỞ HỮU
Theo dữ liệu tổng hợp của VnEconomy, giai đoạn 2017 - 2021, vốn chủ sở hữu của SDI không có nhiều biến động, từ 3.843 tỷ đồng tại ngày 31.12.2017, kết thúc năm 2021 neo ở mức 3.830 tỷ đồng. Dù vậy, quy mô tài sản của SDI lại tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua, từ hơn 24 ngàn tỷ đồng năm 2017 lên 71.703 tỷ năm 2021. Dĩ nhiên, tỉ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của tổng tài sản là nợ phải trả.
Trong 5 năm qua, nợ phải trả của SDI lần lượt là 20.163 tỷ đồng (2017); 17.419 tỷ (2018); 19.523 tỷ (2019); 23.778 tỷ (2020) và 67.872 tỷ (2021). Như vậy, nợ phải trả của SDI thường cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu; năm 2020 con số này là 6,2 lần; cá biệt năm 2021 lên tới 17,72 lần.
Về chất lượng tài sản, trong nhiều năm liền, phần lớn tài sản của SDI là các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn, tiếp đến là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn.
Gần nhất, kết thúc năm tài chính 2021, tài sản ngắn hạn của SDI chiếm 3,4% tổng tài sản, tương đương 2.442 tỷ đồng, trong đó 2.312 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn. Tài sản dài hạn là 69.260 tỷ đồng thì các khoản phải thu dài hạn chiếm 63.897 tỷ đồng.
Năm 2017, doanh thu tài chính của SDI là 1,6 tỷ đồng. Hai năm 2018-2019 con số này lần lượt đạt vỏn vẹn 189,7 triệu đồng và hơn 10,5 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2020 doanh thu tài chính của SDI tăng vọt lên 7.687 tỷ đồng, đến 2021 thì giảm hơn một nửa còn 3.591 tỷ.
Doanh thu tài chính là lực kéo chính giúp SDI có lãi ròng 25,18 tỷ đồng trong năm 2020, đây cũng là năm hiếm hoi SDI báo lãi lên đến hàng chục tỷ trong suốt giai đoạn 2017-2021. Các năm 2018, 2019 và 2021 SDI lần lượt lỗ 1,25 tỷ đồng; 36,15 tỷ đồng và hơn 883 triệu đồng. Năm 2017 doanh nghiệp này chỉ lãi ròng gần 675 triệu đồng.
Trên bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của SDI âm 217,18 tỷ năm 2019 và âm 3.202 tỷ năm 2020.
Năm 2021, dòng tiền kinh doanh của SDI dương trở lại, ở mức 38.317 tỷ đồng, chủ yếu do sự tăng lên của các khoản phải trả trên bảng lưu chuyển tiền tệ. Cụ thể, con số này là 34.227 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ phải trả liên quan đến hoạt động kinh doanh, như “Phải trả cho người bán”, “Phải trả công nhân viên”, “Chi phí phải trả”, “Phải trả nội bộ”, “Phải trả, phải nộp khác”… Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ các khoản phải thu và tiền lãi vay đã trả trong năm 2021 giảm mạnh.
NHỮNG THƯƠNG VỤ TRÁI PHIẾU NGHÌN TỶ LIÊN QUAN ĐẾN SDI
Tháng 1/2022, SDI công bố phát hành thành công 65,746 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 VNĐ/trái phiếu, với tổng giá trị phát hành lên đến 6.574,6 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, ngày đáo hạn là 15/12/2024. Lãi suất danh nghĩa 10%/năm. Các thông tin về mục đích phát hành, tài sản đảm bảo và nhà đầu tư trái phiếu không được công bố công khai.
Trước đó, trong nửa cuối năm 2021, đã có 3 doanh nghiệp phát hành hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu mà tài sản đảm bảo chính là cổ phần SDI , các động sản và quyền tài sản liên quan đến dự án Sài Gòn Bình An.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Công ty Cổ phần Osaka Garden, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 10/2021 doanh nghiệp này đã có 3 đợt phát hành với tổng khối lượng là 111.000.000 trái phiếu tương đương 11.100 tỷ đồng.
Trong bản công bố kết quả chào bán, Osaka Garden cho biết mục đích phát hành trái phiếu là đặt cọc hướng tới nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM .
Trong tháng 7/2021, Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương đã phát hành 46.700.000 trái phiếu tương đương 4.670 tỷ đồng. Giống như Osaka Garden, Hoàng Phú Vượng cũng sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành để đặt cọc nhằm hướng tới nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An.
Cũng ngay trong tháng 7/2021, Công ty Cổ phần Hoa Phú Thịnh phát hành 31.300.000 trái phiếu tương đương 3.130 tỷ đồng. Mục đích phát hành cũng tương tự như Công ty Osaka Garden và Hoàng Phú Vương.
Mới đây, Osaka Garden và Hoàng Phú Vương đã được Bộ Tài chính nêu tên trong danh sách 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021 từ một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Osaka Garden có vốn chủ sở hữu 270 tỉ đồng nhưng khối lượng trái phiếu phát hành gấp 28,5 lần vốn chủ sở hữu (7.700 tỷ đồng). Công ty Hoàng Phú Vương có vốn chủ sở hữu 800 tỉ đồng, khối lượng trái phiếu phát hành của Công ty Hoàng Phú Vương gấp gần 6 lần vốn chủ sở hữu (800/4670 tỷ đồng).
Tùng Thư
VnEconomy