Siêu mẫu đình đám bị nghi ăn chặn từ thiện
Báo Saostar ngày 27/9/2024 đưa thông tin với tiêu đề: "Siêu mẫu đình đám bị nghi ăn chặn từ thiện" cùng nội dung như sau:
Ồn ào về quỹ từ thiện của nữ siêu mẫu này đang khiến công chúng xôn xao.
Theo AP đưa tin, Ủy ban từ thiện công bố siêu mẫu Naomi Campbell đã bị cấm làm người ủy thác từ thiện ở Anh và xứ Wales trong 5 năm tới. Do tổ chức hoạt động từ thiện tên "Fashion for Relief" xóa đói giảm nghèo mà cô thành lập gần hai thập kỷ trước bị đánh giá "quản lý kém" với "quản lý tài chính không thỏa đáng".
Theo điều tra của Ủy ban, họ đã phát hiện “nhiều trường hợp sai phạm hoặc quản lý yếu kém” và chỉ có 8,5% tổng chi tiêu của tổ chức từ thiện được dành cho các khoản tài trợ từ thiện trong giai đoạn 6 năm kể từ năm 2016.
Báo cáo của Ủy ban cho biết hàng nghìn bảng Anh tiền từ thiện đã được sử dụng để trả tiền cho kỳ nghỉ san trọng của Naomi Campbell ở Cannes, Pháp như các liệu pháp spa, dịch vụ phòng và thậm chí cả thuốc lá.
Theo lời phía siêu mẫu Naomi giải thích, những chi phí khách sạn có nhà tài trợ chi trả chứ không phải tiền của tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, đại diện nữ siêu mẫu lại không thể đưa ra bằng chứng cụ thể.
Campbell cho biết, cô đang cực kỳ lo ngại trước những phát hiện của cơ quan quản lý và cô phải đối mặt với một cuộc điều tra.
“Tôi không kiểm soát được tổ chức từ thiện của mình, tôi trao quyền kiểm soát vào tay một chủ lao động hợp pháp. Mọi thứ tôi làm và mọi xu tôi từng quyên góp được đều dành cho tổ chức từ thiện”, siêu mẫu đình đám từng trả lời với AP về quỹ từ thiện.
"Fashion for Relief", một tổ chức từ thiện do siêu mẫu Naomi Campbell sáng lập, đã từng là một biểu tượng cho sự kết hợp giữa thời trang và từ thiện vào năm 2005. Mục tiêu của quỹ này là giúp đỡ giải quyết tình trạng nghèo đói và những người trẻ gặp khó khăn tài chính. Đây không phải lần đầu tiên tổ chức từ thiện của "báo đen" làng mẫu bị điều tra.
"Fashion for Relief" bắt đầu bị điều tra vào cuối năm 2021 và bất ngờ tuyên bố giải thể vào tháng 3/2024. Tuy nhiên, trang web của quỹ vẫn hoạt động. Tổ chức này cho biết họ đã thực hiện nhiều dự án thời trang tại New York, London, Cannes, Moscow, Mumbai và Dar es Salaam và gây quỹ được hơn 15 triệu đô la cho các mục đích tốt đẹp trên toàn thế giới.
Tiếp đến, báo Vnexpress ngày 27/9/2024 cũng có bài đăng với thông tin: "Naomi Campbell bị cấm làm người nhận ủy thác từ thiện tại Anh". Nội dung được báo đưa như sau:
Theo AP ngày 27/9, Ủy ban Từ thiện (Charity Commission) phát hiện tổ chức từ thiện Fashion for Relief của Naomi Campbell có "nhiều sai phạm và cơ chế quản lý yếu kém" sau ba năm điều tra. Họ phát hiện chỉ có 8,5% tổng chi tiêu được dùng hỗ trợ cộng đồng giai đoạn sáu năm, tính từ năm 2016. Guardian cho biết trong thời gian đó, dự án huy động gần 4,8 triệu bảng từ loạt sàn diễn thời trang nhưng chỉ chuyển 389.000 bảng cho các cơ sở từ thiện.
Ủy ban Từ thiện Anh (UK Charity Commission) thành lập năm 1853, là cơ quan quản lý các tổ chức nhân đạo ở Anh, đảm bảo cá nhân và tập thể đã đăng ký tham gia chấp hành đúng quy định luật từ thiện. Đây là bộ phận độc lập với chính phủ, tự chịu trách nhiệm trước Quốc hội Anh.
Ngoài ra, các điều tra viên đánh giá khâu quản lý tài chính và lưu giữ hồ sơ của tổ chức "hỗn loạn" do không có thói quen giữ hóa đơn, chứng từ, các biên bản cuộc họp và tài liệu quan trọng. Về nhân sự, quỹ không có nhân viên toàn thời gian nên phải tìm cố vấn bên ngoài. Theo cơ quan điều tra, cơ sở của Campbell từng trả 14.800 euro cho một chuyến bay chở giám đốc ủy thác và một nhà tài trợ giấu tên đến sự kiện gây quỹ ở Cannes, Pháp hồi tháng 5/2018. Siêu mẫu cũng vướng cáo buộc dùng tiền quỹ thanh toán dịch vụ khách sạn sang trọng, spa, các chuyến bay, vấn đề bảo an và thuốc lá.
Theo Guardian, phía Campbell cho biết tất cả khoản chi không liên quan đến tổ chức do có nhà tài trợ hoàn trả chi phí sau đó. Tuy nhiên, họ không thể đưa ra bằng chứng khi Ủy ban yêu cầu.
Trả lời phỏng vấn với AP, Naomi Campbell nói "rất lo ngại" trước các thông tin sai phạm cũng như việc bị cơ quan chức năng điều tra. "Tôi không quản lý tổ chức mà để một nhân viên pháp lý phụ trách. Chúng tôi cũng tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra", người đẹp 54 tuổi cho biết. Cô còn khẳng định mọi việc cô làm và những khoản tiền quyên góp đều dùng cho mục đích nhân đạo.
Sau Naomi Campbell, Ủy ban cũng phát hiện người đồng nhận ủy thác với siêu mẫu - Bianka Hellmich - nhận khoảng 290.000 bảng tiền quỹ trái phép từ các dịch vụ tư vấn. Theo đó, Ủy ban cấm Hellmich đảm nhận vị trí này trong chín năm. Một người nhận được ủy thác khác tên Veronica Chou cũng bị đình chỉ bốn năm.
Tim Hopkins - trợ lý giám đốc phụ trách điều tra chuyên môn và tiêu chuẩn Ủy ban - nhận định: "Về mặt pháp lý, những người được ủy thác có nghĩa vụ đưa ra các quyết định tốt nhất cho cơ sở từ thiện, cũng như tuân theo pháp luật. Những người thuộc đơn vị này không làm tròn trách nhiệm, dẫn đến việc chúng tôi phải hủy chức vụ của họ".
Hiện cơ quan chức năng thu hồi khoảng 344.000 bảng, bảo vệ 98.000 bảng còn lại. Số tiền này sẽ được gửi đến hai tổ chức Save the Children và Mayor’s Fund for London, cũng như thanh toán các khoản nợ tồn đọng.
Naomi Campbell sinh năm 1970 tại Anh, mang dòng máu Jamaica và Trung Quốc. Cô bắt đầu sự nghiệp ở tuổi 15, khi còn là học viên của trường nghệ thuật Italia Conti Academy of Theatre Arts. Đến nay, siêu mẫu chụp hơn 500 bìa tạp chí, là người mẫu da đen đầu tiên xuất hiện trên trang nhất Vogue Anh, Pháp, Nga và Times.
Fashion for Relief do Naomi Campbell thành lập vào năm 2005, với mục tiêu tổ chức các sự kiện thời trang gây quỹ giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao sức khỏe, giáo dục và cứu trợ thiên tai. Trong thời gian hoạt động, tổ chức trình bày nhiều sáng kiến, dự án tại New York, London, Cannes, Moskva, Mumbai, quyên góp hơn 15 triệu USD cho cộng đồng.
Theo Guardian, quỹ có mặt ở Anh vào năm 2015 và bị điều tra từ tháng 11/2021. Ủy ban quyết định loại Naomi Campbell và Bianka Hellmich khỏi danh sách quản lý, bổ nhiệm đội ngũ thay thế tạm thời. Cuối cùng, Fashion for Relief bị giải thể hồi tháng 3.