'Siêu cống' lớn nhất Việt Nam đi vào vận hành, người dân lũ lượt kéo đến check in

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 13:58:49

Cống Cái Lớn - Cái Bé có vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng là dự án thủy lợi lớn nhất Việt Nam. Nơi đây không chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát mặn mà còn là điểm nhấn kiến trúc ở miền Tây.

Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nằm gần cửa Biển Tây, thuộc hai huyện Châu Thành và An Biên (tỉnh Kiên Giang). Vào tháng 10/2019, giai đoạn 1 của dự án đã được phê duyệt và khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Đến ngày 05/03/2022, hệ thống thủy lợi này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long chính thức ấn nút khánh thành.

Đây là dự án hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn lớn nhất cả nước về quy mô, khẩu độ thông nước, gồm có 3 hạng mục chính gồm cống Cái Lớn, cống Cái Bé và cống Xẻo Rô. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án sẽ thi công các hạng mục: Cống Cái Lớn với cấp độ công trình là cấp I, cống Cái Bé (cấp độ II) và đê nối nối hai cống với quốc lộ 61 (cấp độ III).

Cống Cái Lớn là cống lớn nhất Việt Nam, chiều rộng thông nước 455 m, gồm 11 cửa van và âu thuyền rộng 15 m. Trong đó, cống có 8 cửa van 203 tấn, hai cửa van 188 tấn, một cửa van 155 tấn. Cửa van thép cuối cùng nặng 203 tấn tại khoang số 5, nằm giữa sông Cái Lớn.

Trụ cao nhất của cống Cái Lớn có chiều cao 48 m tính từ mặt nước, được lắp đài quan sát để phục vụ việc tham quan du lịch sau này. Tại đây, du khách có thể ngắm toàn bộ sông Cái Lớn và khu vực xung quanh.

Trước đó, vào đầu tháng 2/2021, cống Cái Bé rộng 85 m, gồm 2 khoang, đã được đưa vào vận hành sớm hơn dự kiến. Công trình đã kiểm soát mặn vào mùa khô 2020-2021 cho khoảng 20.000 ha đất sản xuất của hai tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang. Không những thế, cống còn giúp tỉnh Kiên Giang tiết kiệm được chi phí đắp hơn 130 con đập tạm.

Cửa van, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng xi lanh thủy lực. Trên cống có cầu, đê nối hai cống với quốc lộ 61 dài hơn 5,7 km, mặt đê 9 m, phần xe chạy 7 m.

Thời gian vận hành công trình chia làm 2 mùa: mùa khô (từ đầu tháng 12 đến tháng 4 năm sau), mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11). Quy trình vận hành tạm thời sẽ được thử nghiệm trong 2 năm, sau đó sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung và phê duyệt quy trình vận hành chính thức.

Theo mục đích của hệ thống thủy lợi này đề ra, nhiệm vụ chính của 2 “siêu cống” Cái Lớn, Cái Bé là kiểm soát nguồn nước. Tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) của hơn 384.120 ha diện tích đất tự nhiên của các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.

Với đặc trưng của hệ sinh thái khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, công trình được xem là vòng bao ngoài, giúp kiểm soát nguồn nước, bảo vệ vòng ngoài. Khi vận hành, cống lớn nhất Việt Nam sẽ tạo điều kiện sản xuất ổn định, làm nhiệm vụ để không xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn bất thường. Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ giúp các tỉnh miền Tây chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu.

Kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2021, Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án, vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư cả hai giai đoạn đạt trên 5.800 tỷ đồng. Trong ảnh là trụ sở vận hành cống lớn nhất Việt Nam và công viên.

Sau khi được khánh thành, công trình đã thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân của các tỉnh miền Tây. Chị Thùy Nhung (25 tuổi) cho biết: “Trong chuyến đi chơi đến thành phố Rạch Giá, tôi và các bạn đã tranh thủ ghé qua để nhìn ngắm và chụp những bức ảnh kỷ niệm. Tôi rất hiếu kỳ khi được biết đây là cống ngăn mặn lớn nhất cả nước”.


Quỳnh Hương

Nhịp sống Việt

Chia sẻ Facebook