Siết quy định để giữ chân doanh nghiệp không bỏ cọc đấu giá đất

Chia sẻ Facebook
20/08/2022 08:38:12

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, phải quy định điều kiện nhà đầu tư tham gia đấu giá bằng việc đặt cọc tiền là bao nhiêu để giữ chân được, nếu bỏ cọc thì bị phạt.


Trong buổi trả lời trực tiếp độc giả của báo điện tử VnExpress chiều 19/8, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời về những câu hỏi liên quan đến thực trạng doanh nghiệp tham gia đấu giá đất với giá trúng rất cao nhưng sau đó bỏ cọc, điển hình là vụ đấu giá đất Thủ Thiêm (TP.HCM) gây xôn xao dư luận vừa qua. Theo ông Hà, dự Luật Đất đai sửa đổi lần này xác định rất rõ giá tại thời điểm đấu giá, tức là giá đã phản ánh theo thị trường.


Chúng ta quy định thời gian sau khi đấu giá trúng thì phải trả tiền đầy đủ là trong một tuần chứ không phải một, hai ba tháng như trước đây. Bởi vì nhiều khi người ta tham gia đấu giá để tạo giá ảo, người ta dựa vào giá ảo đó để làm những việc lợi dụng với những mảnh đất khác ”, ông Hà nhấn mạnh.

Vụ việc doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. (Ảnh: Người lao động)


Bộ trưởng cũng cho rằng, quy định đấu giá thì giá đó không được coi là giá thị trường, giá thị trường được xác định bằng một chuỗi các giá giao dịch và xác định đưa vào giá trị trung bình trong điều kiện bình thường. Siết như vậy để khi người ta thế chấp một mảnh đất nào đấy thì người ta không thể lấy giá đó để đưa thế chấp mà đáng nhẽ giá đó chỉ đáng giá một thì đưa thành ba, bốn để lấy tiền ra, điều đó làm ảnh hưởng đến hoạt động các ngân hàng.


Sẽ phải sửa trong Luật Đấu giá để quy trình rõ ràng hơn, đấu giá đất đai phải khác đấu giá vật dụng cụ thể, để tránh quân đỏ, quân xanh, để tránh móc ngoặc lợi dụng giữa người tham gia đấu giá với người thực hiện công tác đấu giá ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Sẽ đánh thuế vào đất đai không sử dụng

Nói về biện pháp đối phó với vấn nạn đầu cơ đất đai, làm lũng đoạn thị trường, nâng giá không vượt giá trị nhiều lần, ông Hà nhấn mạnh trước tiên phải dùng các công cụ tài chính, thuế để hạn chế các đối tượng đầu cơ đất đai. Chẳng hạn, với dự án mà nhà đầu tư mua với mục đích chờ giá tăng lên, đất hoá tài sản…thì sẽ xem xét dùng thuế luỹ tiến để đánh vào đất, dự án trúng thầu, đấu giá nhưng chậm đưa vào sử dụng.

Với nhà đầu cơ, nếu họ mua xong bán ngay thì sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, so với người mua, đầu tư nhưng sử dụng lâu dài, ổn định. Tức là chúng ta sẽ áp thuế cao với những người đầu cơ, mua đất, dự án nhưng sau đó không đầu tư mà chờ thị trường tăng để thu lời. Còn đối tượng thổi giá thông qua đấu giá, thì sẽ thay đổi phương thức đấu giá để loại trừ “động tác” này.


" Quan trọng nhất, tôi cho rằng, phải xác định giá theo thị trường và dùng công cụ thị trường để điều tiết giá. Công cụ thị trường ở đây là cung - cầu để xác định giá. Ví dụ phân khúc nhà nào đang quá ít mà nhu cầu quá lớn thì Nhà nước cần có quỹ đất bổ sung vào phân khúc này. Khi số lượng sản phẩm tăng lên thì giá sẽ giảm xuống ", ông Hà nhấn mạnh.

Giải đáp việc có đánh thuế tài sản lũy tiến, hay bỏ hoang không, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đây là vấn đề đã được xác định chính sách về lâu dài. Đất đai hiện nay bỏ hoang hóa rất nhiều do dự án treo, đất nông nghiệp không đưa vào sử dụng, thậm chí đất khu biệt thự, bất động sản mua nhưng dưới dạng là đầu tư vào đấy như một tài sản để chờ thị trường giá tăng lên.


Chúng tôi sẽ không đánh thuế vào nhiều nhà, nhưng đánh vào hạn mức sử dụng và nhiều đất đai nhưng không sử dụng ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng dẫn chứng, như ở Mỹ, nếu có 5 nhà, cho thuê cả 5 và đều đóng thuế kinh doanh thì không đóng thuế chồng thuế nữa. Còn nếu nhà bỏ hoang thì sẽ bị đánh thuế rất cao là thuế không sử dụng. Như ở Anh, nếu nhà không phát sinh tiền điện nước, không có đóng góp gì cho nhà nước, được gọi là lãng phí, thì phải đánh thuế cao.


Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ học tập các nước như vậy ”, Bộ trưởng cho hay.

Về các loại đất, thì đất nào không sử dụng cũng lãng phí. Về đất nông nghiệp hiện nay thuế bằng không, theo quy định của Quốc hội, nhưng nếu không sử dụng sẽ bị cộng hệ số.

Chia sẻ Facebook