SIA Mỹ: Huawei nhận ‘trợ cấp khủng’ bí mật xây dựng chuỗi cung ứng chip

Chia sẻ Facebook
24/08/2023 19:36:12

SIA Mỹ: Huawei nhận ‘trợ cấp khủng’ bí mật xây dựng chuỗi cung ứng chip

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) cảnh báo ‘gã khổng lồ’ viễn thông Huawei của Trung Quốc đang bí mật xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn trên khắp Trung Quốc, mạng lưới này có thể giúp Huawei tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và tiếp tục tham vọng công nghệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).


Huawei không chỉ là ‘gã khổng lồ’ thiết bị viễn thông gây tranh cãi của Trung Quốc mà còn là tâm điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. SIA cảnh báo rằng từ năm ngoái Huawei đã bắt tay vào sản xuất chip và đã nhận được khoảng 30 tỷ USD trợ cấp nhà nước từ chính quyền ĐCSTQ.


Theo Bloomberg , trong tài liệu SIA gửi tới các thành viên, Huawei đã mua lại ít nhất 2 nhà máy đã có và đang xây dựng thêm ít nhất 3 nhà máy nữa.


Báo cáo của SIA chỉ ra, 5 nhà máy sản xuất chip được Huawei hỗ trợ nhưng đứng tên các công ty khác, những nhà máy này chủ yếu nằm gần trụ sở Thâm Quyến của Huawei. Các doanh nghiệp này dường như là các đơn vị đang hoạt động chứ không phải công ty bình phong không có cơ sở vật chất.


Kể từ năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào “Danh sách thực thể”, sau đó gần như cấm hoàn toàn Huawei hợp tác với các công ty Mỹ.


Bloomberg chỉ ra rằng như SIA đã cảnh báo, nếu Huawei có thể xây dựng và mua các cơ sở dưới danh nghĩa của các công ty khác, qua đó lách luật trừng phạt của Mỹ và gián tiếp mua các thiết bị và sản phẩm sản xuất chip vốn bị Mỹ cấm.


Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ nói với Bloomberg rằng họ đang theo dõi tình hình và sẵn sàng hành động nếu cần thiết.


Ngoài Huawei, BIS đã đưa vào danh sách đen hàng chục công ty Trung Quốc, trong đó có 2 công ty mà BIS xác định là thuộc mạng lưới của Huawei: Công ty Mạch tích hợp Fujian Jinhua (JHICC) và Công ty Mạch tích hợp Pengxinwei


Trong một tuyên bố với Bloomberg , BIS cho biết: “Với những hạn chế nghiêm ngặt đối với Huawei, Fujian Jinhua, Pengxinwei và những hãng Trung Quốc khác, không có gì lạ khi họ tìm đến hỗ trợ đáng kể của Chính phủ để cố gắng phát triển công nghệ bản địa”.


Tuyên bố cho biết: “Trong bối cảnh diễn biến nguy cơ xấu gia tăng, BIS sẽ tiếp tục xem xét và cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu; như đã được chứng minh trong quy định ngày 7/10/2022, BIS sẽ không ngần ngại thực hiện hành động thích hợp để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ”.


Huawei, Pengxinwei, Fujian Jinhua và các công ty Trung Quốc khác được SIA xác định là một phần của mạng lưới đã không phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg.


Hiện chưa rõ tại sao SIA lại đưa ra cảnh báo về vấn đề này.


SIA có trụ sở tại Washington là đại diện cho hầu hết các nhà sản xuất chất bán dẫn trên thế giới, bao gồm Intel, Samsung Electronics và TSMC. Các thành viên của SIA cũng bao gồm các công ty sản xuất thiết bị sản xuất chip, chẳng hạn như Applied Materials (Đài Loan) và ASML (Hà Lan).


Bloomberg nhận định rằng SIA có thể đang cố gắng cảnh báo các thành viên nên thận trọng khi làm việc với các công ty có thể có mối quan hệ ngầm với Huawei.


BIS quy định rằng các nhà cung cấp Mỹ có nghĩa vụ “biết khách hàng của mình” , yêu cầu họ trong mọi trường hợp đều phải tìm hiểu về đối tác.


Tác giả cuốn “Cuộc chiến chip ” (CHIP WAR) là Chris Miller cho biết: “Về trợ cấp [doanh nghiệp công nghệ], kinh phí của Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng tổng số phần còn lại của các nước khác trên thế giới, vì vậy con số này hoàn toàn rất lớn”.


Các quan chức châu Âu và Mỹ ngày càng lo ngại về khoản đầu tư khổng lồ của ĐCSTQ vào chip truyền thống (CPU, phân biệt với GPU là chip AI). Mặc dù theo quy định xuất khẩu năm ngoái thì loại chip này không bị cấm, nhưng những con chip CPU vẫn đủ dùng cho nhiều ứng dụng quân sự và chúng được sử dụng rộng rãi ở các thị trường trọng điểm như xe điện.


Từ quan điểm của Mỹ, rủi ro lâu dài là Huawei và các công ty Trung Quốc khác có thể đầu tư vào các công ty công nghệ đã chín muồi để tích lũy kiến ​​thức và kỹ năng trong sản xuất chất bán dẫn. Chỉ cần có đủ kinh nghiệm và khối lượng sản xuất, các công ty như Huawei có thể phát triển thành các lĩnh vực bán dẫn phức tạp hơn dưới sự trợ cấp của ĐCSTQ.


Quy mô hỗ trợ tài chính của ĐCSTQ dành cho Huawei cũng khá đáng kinh ngạc: khoản tài trợ 30 tỷ USD gần như tương đương với ưu đãi sản xuất của Mỹ đối với các công ty liên quan theo Đạo luật Khoa học và Chips (Chips and Science Act) của Mỹ.


Hiện chưa rõ liệu những khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc trong những tháng gần đây có ảnh hưởng đến đầu tư công nghệ của ĐCSTQ hay không.


Theo Trần Đình, Epoch Times

Paul Krugman: Trung Quốc bên bờ vực khủng hoảng tài chính giống như năm 2008

Theo ông Paul Krugman, Trung Quốc đứng trước cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như tình hình của các nền kinh tế Bắc Đại Tây Dương năm 2008

Chia sẻ Facebook