Sĩ tử và vũ môn

Chia sẻ Facebook
09/06/2023 08:28:11

Báo chí mấy hôm nay liên tục đưa tin các cuộc thi vào lớp 10 của các tỉnh, từ tình hình chung tới nội dung đề thi, số lượng sĩ tử của tỉnh tới nỗi lo của phụ huynh.

Khuya qua, tôi mail bài cho Thư ký Tòa soạn của một tờ báo, thấy chị reply ngay, tôi ngạc nhiên hỏi sao thức khuya quá, chị trả lời: Nhà có sĩ tử sắp thi vào lớp 10 nên cả nhà ăn muộn ngủ muộn để... động viên và chia sẻ.

Mới sực nhớ, đang mùa thi vào lớp 10. Báo chí mấy hôm nay liên tục đưa tin các cuộc thi của các tỉnh, từ tình hình chung tới nội dung đề thi, từ số lượng sĩ tử của tỉnh tới nỗi lo của phụ huynh.


Và cũng đã có những sự cố diễn ra, ấy là việc tỉnh Kon Tum bị lộ đề thi, cơ quan chức năng đã vào cuộc, thường trực tỉnh ủy phải có ý kiến chỉ đạo, chứng tỏ sự việc không hề đơn giản. Nó biểu hiện, không chỉ phụ huynh và học sinh quan tâm kỳ thi này mà cả “hệ thống chính trị” với cơ quan lãnh đạo cao nhất của tỉnh cũng hết sức quan tâm, cũng phải vào cuộc.

Hình như tới giờ, chưa có một bức tranh toàn cảnh, hay nói chính xác, là những thống kê cụ thể về cuộc thi này trên cả 63 tỉnh thành. Ví dụ như bao nhiêu em thi, lấy được bao nhiêu, tỉ lệ thế nào, chi phí xã hội và gia đình bỏ ra vân vân...

Trên Facebook của PGS. TS. Phạm Quang Long, một nhà quản lý giáo dục và cũng nhiều năm trực tiếp giảng dạy đại học sáng qua viết: “Hôm qua TV đưa tin: thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 85.000 và Hà Nội khoảng 115.000 học sinh thi vào lớp 10. Nhưng chỉ có khoảng 60% các em sẽ được học ở các trường công lập vì không có đủ trường cho các em.

Có nhà báo đặt câu hỏi: Thi thế thì thi làm gì? Chỉ làm khổ xã hội thôi. Không thi thì biết chọn ai, loại ai? Chọn học bạ thì khó quá vì gần như cháu nào cũng vượt chuẩn.

Giống như ở trường chuyên của Hà Nội, các môn chính đều điểm 10 cả, thế là nhà trường đành chọn điểm Âm nhạc làm tiêu chí cứng. Các em bị loại từ khâu hồ sơ “không cãi vào đâu được”.

Nhiều người phê phán, thậm chí đổ hết “tội” lên đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không phải họ không có khuyết điểm nhưng lỗi không phải chỉ do họ. “Ai cũng có quyền và nghĩa vụ học tập” nhưng ai được học, học ở đâu, học trong điều kiện nào… lại là chuyện khác. Câu tổng kết “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” phản ánh rất biện chứng thực trạng này.

Do quy hoạch kém, do chính sách không phù hợp mà những chuyện “tréo ngoe” như thế đã thành “chuyện hàng ngày” ở mọi nơi, mọi ngành.


Phường Hoàng Liệt ở Hà Nội chỉ có 4,85 km2 nhưng dân số 120.000 người (24.742 người/ km2), là phường đông dân nhất quận Hoàng Mai bởi trong phường có ngót 100 chung cư cao tầng. Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ đến tuổi đi học Mầm non nhưng trường công lập cố lắm cũng chỉ nhận được 559 cháu, khoảng xấp xỉ 1/4 (lời bà Hiệu trưởng) nên cha mẹ phải bốc thăm cho con đi học. Số còn lại phải gửi các cơ sở tư nhân, phải học trái tuyến. Điều này gây ra biết bao hệ lụy cho cha mẹ, xã hội . Ngành giáo dục có tài giỏi như Tề thiên đại thánh cũng phải bó tay”.

Nhiều phụ huynh vẫn nán lại bên ngoài điểm thi vào lớp 10 chuyên Đại học Sư phạm.

Đọc đến đây tôi nhớ nhà mình cũng có cháu ngoại tới tuổi đi nhà trẻ mà công cuộc tìm nơi gửi của bố mẹ nó đã phải “quá trình” mấy tháng nay mà vẫn chưa ngã ngũ. Nơi đồng ý thì xa, tuổi nhà trẻ làm sao đưa đón hợp lý. Chỗ gần thì không yên tâm vì có vẻ... không yên tâm, bởi những thông tin bạo hành trẻ liên tục được phơi bày, mới nhất là một trẻ tử vong nữa. Thế thì làm sao mà yên tâm gửi ở nơi mình chưa yên tâm.


Còn thì vào lớp 10 công lập, nó khó như thế, nhưng may mắn là vẫn có trường tư đón các cháu. Nhưng, lại vẫn phải nhưng, không phải gia đình cháu nào cũng đủ điều kiện kinh tế để các cháu vào học trường tư hoặc trường quốc tế (nhưng toàn bị đồn là chất lượng... Việt Nam ). Và nhiều trường tư bây giờ cũng tuyển đầu vào rất cao, có tỉnh, trường tư điểm chuẩn đầu vào chỉ thua trường chuyên, thi được vào cũng bở hơi tai.

Có học là phải có thi, đã đành thế. Nhưng khi mà hệ thống trường công (nơi mơ ước của tất cả phụ huynh và học sinh) chưa đáp ứng nổi thì rõ ràng không chỉ là lỗi của ngành giáo dục, mà như vị PGS. TS. đáng kính kia viết, nó là cái tầm nhìn của quy hoạch.

Những tòa nhà chung cư ngất nghểu như những cái hộp chứa hàng vạn người, nhưng lại quên quy hoạch trường học (và không chỉ trường học, mà còn nhiều thứ nữa như giao thông, hầm giữ xe, chợ, bệnh viện...) thì nó sinh ra sự chen đổ cổng trường để nộp hồ sơ vào mẫu giáo ngày nào là... chuyện hết sức bình thường.

Thực ra thì, thời chúng tôi vào cấp ba (hệ mười năm), hồi ấy còn gọi cấp ba, cả huyện chỉ có 1 trường cấp ba, và mỗi xã may lắm được vài ba đứa đậu vào. Nhưng cũng hồi ấy, hết cấp hai, tức lớp bảy là có thể đi học trung cấp để vào đời.

Giờ học xong đại học vẫn thất nghiệp dài dài thì cái sự vào lớp 10 cũng không lấy làm vì lắm. Nhưng, nó lại còn, Phổ thông Trung học bây giờ nó là phổ cập của phổ cập (tới Thạc sĩ còn đang phổ cập mà) thì việc vào học Phổ thông Trung học nó phải là chuyện đương nhiên, chuyện không thể không làm.

Nhưng vào thì khó quá, rất khó.

Thì bèn thi.

Chúc tất cả các cháu may mắn thì nó duy lý và không tưởng, bởi nó không thể, thôi thì đành chúc người quen, là con bạn Thư ký Toà soạn, vượt vũ môn thành công vậy, dẫu biết cháu này vào thì sẽ có cháu kia phải ở ngoài.

Thi vào lớp 10 nó khác thi tốt nghiệp là thế. Chỗ có từng ấy, phải lấy từ cao xuống thấp, chứ không thể đại trà như tốt nghiệp, hàng chục vạn thí sinh đi thi chỉ để chọn vài chục cháu rớt...


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook