Shopee, Lazada, Tiki... không phải nộp thuế thay người bán
Theo Nghị định 91 mới ban hành, các sàn thương mại điện tử chỉ có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia bán hàng.
Nội dung trên được đưa ra tại Nghị định 91/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 126 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định 91 có hiệu lực từ ngày 30/10.
Nghị định quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhóm thông tin này bao gồm tên người bán hàng; mã số thuế/số định danh cá nhân/chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua các chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.
Hoạt động cung cấp các thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau. Các sàn thương mại điện tử sẽ cung cấp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do cơ quan này công bố.
Như vậy, các sàn thương mại điện tử không phải nộp thuế thay người bán, mà chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
Năm ngoái, Bộ Tài chính nêu phương án tất cả sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người bán để tránh thất thu thuế, nhưng nhận được nhiều ý kiến phản biện từ giới trong ngành.
Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) từng phản biện đề xuất này do lo ngại chủ sở hữu sàn thương mại điện tử không đủ năng lực để khai và nộp thuế thay cho người bán. Ngoài ra, việc này cũng sẽ làm tăng chi phí cho các sàn khi phải thực hiện theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Tiếp thu một số ý kiến từ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chia các sàn thương mại điện tử thành 2 loại, hoặc là sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến hoặc không. Trong đó, những sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki... vẫn được bộ đề xuất phải kê khai và nộp thuế thay cho người bán trên sàn.
Thời gian vừa qua, sàn thương mại điện tử phát triển mạnh với khoảng 100 sàn đang hoạt động, số cá nhân kinh doanh trên sàn lên tới hàng trăm nghìn người. Tổng cục Thuế kiểm tra thực tế tại 3 sàn thương mại điện tử lớn cho thấy, năm 2020, Shopee có khoảng 210.000 cá nhân kinh doanh, Tiki có hơn 8.800 cá nhân kinh doanh, Voso có hơn 3.210 người...
Trong báo cáo Bộ Tài chính gửi Quốc hội báo cáo thực hiện Nghị quyết 62 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp 3, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết từ năm 2018 đến nay, hoạt động thu thuế với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, thu từ thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay lên tới 5.588 tỷ đồng.