Shipper tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng khao khát để con sống ở thành phố: Thay đổi số phận đòi hỏi nỗ lực của nhiều thế hệ!
Quá trình thay đổi số phận không chỉ một mình Trần Quang Tiến cố gắng là được, mà phải xem biểu hiện của các đời sau, cụ thể chính là con trai của anh.
6 năm để dành được 1 triệu NDT (gần 3,5 tỷ đồng), anh shipper chạy rong ruổi khắp nẻo đường trong thành phố lớn với khát khao cho con trai một tương lai tốt đẹp gây xúc động cư dân mạng, đồng thời bóc trần sự thật về nỗ lực vượt qua rào cản giai cấp trong xã hội hiện nay.
Thay đổi vận mệnh, vượt lên giai cấp có lẽ là ước mơ của người bình thường.
Đương nhiên, đây là chuyện không hề dễ dàng, cần đòi hỏi nhiều yếu tố, chứ không chỉ dựa vào nỗ lực của bản thân.
Từ bỏ cuộc sống yên bình, mang theo khát vọng đến thành phố lớn
Thời gian gần đây, anh shipper Trần Quang Tiến ở Hàng Châu trở nên nổi tiếng sau khi đăng tải ảnh chụp tin nhắn giao dịch ngân hàng thể hiện số dư lên đến 1 triệu NDT.
Một người bình thường đừng nói đến 1 triệu NDT, cho dù là 500 nghìn NDT (hơn 1,7 tỷ đồng) cũng phải làm lụng cật lực hết nửa đời cũng là chuyện khó. Thế thì anh shipper này đã làm thế nào?
Thật ra, 1 triệu NDT nói lớn không lớn, nhưng nói nhỏ cũng không phải nhỏ. Nhưng vì đối lập giữa thân phận và số dư khác biệt nên mới thu hút sự tò mò của cư dân mạng về anh shipper này.
Câu chuyện phía sau của anh shipper này càng khiến dân mạng cảm động hơn.
Trần Quang Tiến sinh năm 1983 trong gia đình nông thôn ở thành phố Thái Châu (Giang Tô, Trung Quốc). Vì học hành chỉ ở mức bình thường nên học hết cấp 2, anh đã dừng lại và đi làm kiếm tiền.
Thiếu bằng cấp học lực, anh chỉ có thể làm những công việc tay chân nặng nhọc. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ, anh đã mở một tiệm tạp hóa trong làng.
Tuy nhiên, kinh doanh nhỏ này đã giúp Trần Quang Tiến có thu nhập ổn định, thuận lợi xây dựng gia đình nhỏ. Vợ của anh là Trần Tiểu Quyên, dịu dàng và chín chắn.
Vốn dĩ hai vợ chồng Trần Quang Tiến muốn kinh doanh tiệm tạp hóa nhàn nhã qua ngày. Nhưng vì sự ra đời của con trai, anh đã có khát vọng lớn hơn, muốn con được lớn lên trong thành phố hiện đại.
Thế là Trần Quang Tiến đã cùng vợ dọn đến thành phố Hàng Châu bắt đầu cuộc hành trình mới.
Rong ruổi khắp nẻo đường để cho con được sống trong thành phố hiện đại
Tại Hàng Châu, vợ chồng Trần Quang Tiến đều làm công nhân trong công xưởng sản xuất, mặc dù đồng lương cao hơn việc bán tạp hóa ở quê nhưng mức sống ở thành phố lớn không phải là con số nhỏ. Do đó, cả một năm trời, hai vợ chồng không thể tiết kiệm được bao nhiêu.
Trước tình hình này, Trần Quang Tiến muốn tìm thêm nguồn thu nhập mới, chứ không thể chỉ mãi tiết kiệm, tằn tiện.
Năm 2015, Trần Quang Tiến phát hiện một công việc không yêu cầu học lực, cũng không yêu cầu kinh nghiệm, càng không cần “ô dù” chống lưng, nhưng vẫn phát triển cực kỳ tốt. Đó chính là nghề shipper - công việc đầy tiềm năng ở thành phố lớn đất chật người đông.
Thế là Trần Quang Tiến đã góp mặt trở thành thành viên trong đội quân shipper đời đầu của ngành giao đồ ăn online.
Thời gian đầu, công việc shipper không hề dễ dàng với Trần Quang Tiến. Vì không thuộc đường nên anh thường giao hàng vượt quá thời gian quy định.
Ngày đầu tiên chạy shipper, không chỉ không kiếm được đồng nào mà anh còn bị công ty phạt 50 NDT (gần 180 nghìn đồng). Nhưng không vì thế mà nản lòng, anh thức đêm nghiên cứu về những con đường trong thành phố và rút ngắn quãng đường hết sức có thể.
Sau khi quen thuộc các tuyến đường, mỗi buổi tối, sau khi tan làm, Trần Quang Tiến khoác lên mình bộ đồng phục shipper rong ruổi khắp thành phố Hàng Châu giao đồ ăn. Tháng đầu tiên, anh kiếm được 6.000 NDT (hơn 20 triệu đồng), gấp đôi lương của công việc chính thức anh làm thời điểm đó.
Thế là Trần Quang Tiến đã quyết định dành toàn bộ thời gian làm nghề shipper.
Để “ăn chắc mặc bền”, vợ của Trần Quang Tiến vẫn tiếp tục làm công nhân trong công xưởng, duy trì thu nhập ổn định cho gia đình, còn bản thân đi giao đồ ăn để kiếm tiền cho mục tiêu tiết kiệm.
Sau 4 tháng làm quen với nghề, thu nhập từ tháng thứ 5 của anh luôn không thấp hơn 10.000 NDT (hơn 34 triệu đồng), thậm chí có tháng còn đạt ngưởng 30.000 NDT (hơn 100 triệu đồng).
Từ năm 2015 đến 2021, Trần Quang Tiến đã kiếm được 1 triệu NDT (gần 3,5 tỷ đồng) chỉ nhờ vào nghề chạy shipper. Thời gian 6 năm này, anh đã thay 10 chiếc xe điện, tổng quãng đường hành trình tích lũy lên đến mười mấy nghìn kilomet.
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Trần Quang Tiến vì mục tiêu hoàn thành khát vọng đã đặt ra nhiều năm trước. Đó là cho con trai được vui vẻ trưởng thành trong thành phố hiện đại.
“Bố ơi, đến khi nào chúng ta mới có thể mua nhà ở Hàng Châu. Như thế thì con có thể lên thành phố, cả gia đình chúng ta đều được ở cùng nhau rồi”.
“Yên tâm, rồi sẽ có một ngày, bố sẽ mua được một căn hộ ở Hàng Châu”.
Ngoài ra, anh còn hy vọng con trai sau này có thể đậu vào trường đại học tốt, nên cho dù hiện tại khổ cực đến mấy cũng không thành vấn đề.
Vượt lên giai cấp là hành trình nỗ lực của nhiều thế hệ
Câu chuyện của Trần Quang Tiến không chỉ đơn thuần là anh shipper xuất thân nông thôn kiếm được hơn 3 tỷ, mà còn phản ánh thực trạng một lớp người trong xã hội muốn thay đổi số phận, vượt khỏi rào cản giai cấp.
Vấn đề này không phải chỉ dựa vào việc bố mẹ có bao nhiêu tích lũy tiền bạc, mà còn nằm ở ý chí cầu tiến của bản thân họ.
Nếu bạn sinh ra trong gia đình bình thường nhưng bố mẹ luôn phấn đấu làm ăn, cầu tiến, hiểu rõ sự cố gắng hiện tại sẽ giúp thế hệ sau phát triển hơn, từ đó mới có cơ hội thay đổi vận mệnh.
Trần Quang Tiến xuất thân từ nông thôn nhưng không chấp nhận số phận, khát khao mãnh liệt để con được sống trong thành phố hiện đại, tiếp nhận nền giáo dục tiên tiến, tiền đồ xán lạn, tương lai rộng mở hơn.
Vậy nên, người bình thường muốn thay đổi địa vị thì không cần vội vàng. Chỉ dựa vào một thế hệ thì không thể làm nên chuyện, mà hãy xây dựng kế hoạch sâu xa, lâu dài hơn, tạo đường đi nước bước cho thế hệ sau.
Chỉ cần không ngừng cố gắng, không chịu thua trước hiện thực thì bạn luôn có thể tạo nên kỳ tích!
(Nguồn: Zhihu)