Shark Tank Forum 5: Đột phá tăng trưởng trong nền kinh tế số
Diễn đàn Shark Tank Forum 2022 – STF5 đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh và chính thức khởi động chương trình truyền hình "Shark Tank Việt Nam" mùa 6.
Shark Tank Forum 2022 diễn ra ngày 25/11 tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 1.000 khách tham dự, và đại diện các Hiệp hội chuyên ngành, đại diện các tập đoàn, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp SMEs, các công ty khởi nghiệp, cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Shark Tank Forum - STF là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh, khởi nghiệp và thảo luận, dự báo xu hướng thị trường; đồng thời kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với các nguồn lực trong xã hội.
STF5 với chủ đề "Đột phá tăng trưởng trong nền kinh tế số - Hacking growth in the digital economy" với sự tham dự của 37 diễn giả, 6 tọa đàm, 5 bài thuyết trình và 1 cuộc đối thoại sẽ cập nhật bức tranh kinh tế số ở Việt Nam năm 2023, thảo luận các giải pháp chuyển đổi số, đồng thời gợi mở những cơ hội tiềm năng trong nền kinh tế số để nâng cao hiệu quả, hoạt động sản xuất, bứt phá tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Có mặt tại Shark Tank Forum 5, ông Đinh Trần Việt - Giám đốc VTV Digital đánh giá, trong nền kinh tế hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn, đơn hàng và cần phải có giải pháp để giải quyết vấn đề đó. Ông tin rằng, hơn 1.000 doanh nghiệp có mặt tại Shark Tank Forum 5 sẽ tìm được cho mình phương thức để vượt qua những thách thức trước mắt.
Bên cạnh đó, Giám đốc VTV Digital cũng cho rằng sức mạnh của doanh nghiệp đến từ tầm nhìn của người lãnh đạo, nhất là trong thời điểm kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, đưa ra những thách thức lớn đến nền kinh tế Việt Nam. "Một khi người lãnh đạo sẵn sàng chuyển đổi, học hỏi, ứng dụng công nghệ thì tổ chức đó sẽ có những thành công lớn để đạt được giải pháp linh hoạt và phát triển", ông Đinh Trần Việt khẳng định.
Phát biểu mở màn tại Shark Tank Forum 5, bà Lê Hạnh - Tổng Giám đốc TVHub, Giám đốc Sản xuất Shark Tank Việt Nam - cho rằng "Growth Hacking" không còn là một thuật ngữ xa xỉ chỉ dành cho các công ty công nghệ, mà doanh nghiệp nào cũng có thể vận dụng nó một cách thuận lợi trong nền kinh tế số
"Đối với các startup khi lên gọi vốn tại Shark Tank cũng là một cú growth hacking ngoạn mục. Rất nhiều startup nổ đơn hàng, lượng truy cập đột biến. Ví dụ như Coolmate một nền tảng thương mại điện tử bán trang phục cho nam giới được biết đến rộng rãi khi gọi vốn thành công trên Shark Tank. Chỉ 5 ngày sau khi phát sóng đã có 30 ngàn sản phẩm được bán ra, bằng doanh số của cả năm 2019", bà cho hay.
KHỞI ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH SHARK TANK VIỆT NAM MÙA 6
Sau 5 mùa phát sóng, Shark Tank Việt Nam đã trở thành bệ phóng giúp 243 startup từ 13 lĩnh vực giới thiệu các mô hình kinh doanh đầy tiềm năng tới các Nhà đầu tư (Shark) và hàng chục triệu khán giả trong nước, quốc tế qua VTV3 và các nền tảng số. Nhiều startup đã đạt những con số ấn tượng về doanh thu, khách hàng, lượt tìm kiếm, truy cập tăng trưởng đột biến … tương đương với chiến dịch marketing trị giá hàng triệu đô.
Tính đến thời điểm này, chương trình ghi nhận 30 startup vượt qua vòng thẩm định được rót vốn từ các Shark trong chương trình.
Bên cạnh đó, Shark Tank tiếp tục cung cấp những bài học quản trị, bổ sung kiến thức, cập nhật xu hướng cho các nhà khởi nghiệp và khán giả theo dõi chương trình. Đặc biệt, những màn đấu trí với sự tự tin, sắc bén của các Startup cùng những nhận định thông thái, đôi lúc hài hước của các Shark góp phần mang đến một món ăn tinh thần thú vị và bổ ích cho khán giả theo dõi chương trình.
Shark Tank Việt Nam chính thức nhận đăng ký tham gia mùa 6 bắt đầu từ 25/11/2022.
KINH TẾ SỐ - ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI CỦA VIỆT NAM
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số Việt Nam từ con số 18 tỷ USD năm 2021 dự kiến tăng lên 23 tỷ USD vào năm 2022. Với tỷ lệ 28%, nền kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ tăng trưởng. Trong đó, 90% người dùng số dự định duy trì, thậm chí gia tăng tiêu dùng thương mại điện tử.
Dự kiến nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 31% giai đoạn 2022 – 2025. Và cơ hội càng rõ nét hơn khi sau đại dịch, có tới hơn 90% doanh nghiệp SMEs quan tâm đến chuyển đổi số, so với con số chỉ 30 – 40% trước đại dịch.
Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm với 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn. Các ngành thu hút vốn lớn là công nghệ tài chính (Fintech), game, y tế, thương mại điện tử… Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm nay có thể đạt 2 tỷ USD, tăng 33% so với năm ngoái.
PHÁ VỠ RÀO CẢN "NGẠI" CHUYỂN ĐỔI SỐ - ỨNG BIẾN LINH HOẠT VÀ TỐI ƯU NGUỒN LỰC ĐỂ TĂNG TRƯỞNG ĐỘT PHÁ
Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế số với cơ cấu dân số trẻ, GenZ và Gen Alpha chiếm trên 42%. Với hai trong số các trụ cột chính giúp nắm bắt tiềm năng chuyển đổi số là phát triển hệ sinh thái công nghệ và đào tạo kỹ năng số cho người lao động, sinh viên, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng mục tiêu đổi mới sáng tạo.
Trong giai đoạn hiện nay, "chuyển đổi số" và "linh hoạt" được xác định là hai từ khóa giúp doanh nghiệp nhanh chóng ứng biến trong từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao cũng như khó khăn trong thay đổi thói quen là hai rào cản hàng đầu trong chuyển đổi số.
Theo khảo sát của Vinasa, tỷ lệ các doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%. Trong đó, 99% SMEs gặp khó khăn về vốn nên thường coi chuyển đổi số là "sân chơi" dành riêng cho các ông lớn.
Bài toán được đặt ra ở đây là doanh nghiệp cần thích ứng như thế nào, ứng dụng giải pháp, công nghệ gì, xây dựng nguồn lực ra sao để duy trì ổn định và tạo tiền đề cho sự tăng trưởng đột phá thông qua chuyển đổi số.
STF5 - HỘI TỤ CÁC NGUỒN LỰC HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP
STF5 có sự tham dự của lãnh đạo của các Viện nghiên cứu và các Hiệp hội chuyên ngành như ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số; ông Trương Gia Bảo – Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS; ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam; ông Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam; ông Chu Quang Thái – Thường trực phía Nam Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia; ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Diễn đàn hội tụ các diễn giả là lãnh đạo cấp cao đến từ các tập đoàn lớn và các Nhà đầu tư của chương trình Shark Tank Việt Nam như ông Nguyễn Trung Vũ – Chủ tịch HĐQT Cen Group; ông Vũ Hồng Phú – Thành viên Ban điều hành MB Bank, Tổng Giám đốc MB Ageas Life; Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse; Shark Lê Hùng Anh – Chủ tịch BIN Corporation Group; Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng – Phó Chủ tịch & Phó Tổng giám đốc VP Milk cùng các doanh nhân thành công, giàu kinh nghiệm trên thương trường, là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó, STF5 còn quy tụ các diễn giả là chuyên gia về kinh tế và khởi nghiệp nổi tiếng như ông Lâm Minh Chánh – Chủ tịch Học viện Kinh doanh & tài chính BizUni, đồng sáng lập Group Quản trị & Khởi nghiệp; Giáo sư Hà Tôn Vinh – Chủ tịch & Tổng Giám đốc Stella Management; Tiến sĩ Hoàng Trung Dũng – Chủ tịch Kingsman & Chủ tịch Rosa Bonita; ông Phạm Tuấn Sơn – Chủ tịch Babylons; ông Trần Bằng Việt – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Đông A Solutions; bà Nguyễn Phi Vân – Nhà sáng lập & Chủ tịch Vietnam Angel Network; Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình – Đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ tài chính, Chủ nhiệm chuyên ngành Kinh doanh trên ứng dụng Blockchain, Đại học RMIT Việt Nam.