Shark Phú: “Niềm tin của khách hàng là vé vào cửa thị trường sâu hơn”
“Tôi không có chuyện thấy họ tin mình rồi thì kệ. Nếu không làm thêm gì cho khách hàng thì khách hàng sẽ dần nhận ra và rời bỏ mình thôi”, Shark Nguyễn Xuân Phú nói.
Chia sẻ tại Diễn đàn quốc tế thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 20/4, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse – người được biết đến với tư cách là một nhà đầu tư nổi tiếng của chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam - đã nhấn mạnh rằng, xây dựng thương hiệu là chuyện vô cùng quan trọng đối với bất cứ cá nhân, bất cứ doanh nghiệp, bất cứ quốc gia nào cũng phải làm.
Lần đầu biết đến khái niệm thương hiệu
Phải thừa nhận rằng, là một ngành hàng chịu sự cạnh tranh khốc liệt, không những bởi những đối thủ trong nước mà cả các thương hiệu quốc tế nhưng Sunhouse đang ngày chiếm lĩnh thị trường sản phẩm gia dụng trong nước.
Nói về thành công này, ông Phú đã chia sẻ về việc nhận thức của một người làm kinh doanh khi giác ngộ được vai trò quan trọng của xây dựng thương hiệu với sản phẩm của doanh nghiệp.
Nhớ về thời điểm 20 năm trước, khi mà nền kinh tế của Việt Nam chủ yếu là phát triển nông nghiệp, hàng hoá công nghiệp chủ yếu vẫn là hàng nhập khẩu. Câu chuyện của Sunhouse bắt đầu chỉ là thương mại hàng hoá, tức là chỉ nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài về phân phối tại thị trường Việt Nam.
“Ở giai đoạn đó, chủ yếu chúng tôi nhập khẩu các mặt hàng từ Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan về Việt Nam. Giai đoạn đó nhập khẩu phải chịu thuế rất cao, có mức 40%. Thời điểm đó khi kinh doanh, tôi không có chút khái niệm nào về thương hiệu”, Shark Phú nói.
Ông nói rằng, bản thân khi ấy chỉ đơn giản là thấy thứ gì đất nước thiếu, thấy thứ gì cần là “nhặt”. “Tôi nhặt luôn cả thương hiệu của họ”, ông cười nói và chia sẻ rằng, bản thân sau này tự trải nghiệm tại nhiều nhà máy và phát hiện công nghệ sản xuất không quá phức tạp so với suy nghĩ bấy lâu của bản thân.
“Khi đó tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi trong đầu, là tại sao mình không sản xuất? Nếu sản xuất thì mình sản xuất thì như thế nào? Tại sao Việt Nam nhân công thì rất rẻ mà lại không thể sản xuất được cái gì?”, ông Phú nói và chia sẻ đó là một trong những động lực thôi thúc bản thân ông bắt tay vào sản xuất thay vì tiếp tục đi nhập khẩu.
Kể về việc bán lô hàng sản xuất đầu tiên ra thị trường trong nước, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse ngậm ngùi nói “lô hàng rất khó bán”.
“Mặc dù cái nồi, cái chảo y chang, công nghệ thì học từ Hàn Quốc, làm y chang nhưng lại rất khó bán. Thời điểm đó, tôi loay hoay mãi, không thể nào hiểu nổi bởi vì mình áp dụng nguyên công nghệ của họ, cũng có chuyên gia Hàn Quốc sang làm sản phẩm y chang, thậm chí bán rẻ hơn 10% cũng không bán được”, ông nhớ lại.
Sau nhiều lần tìm hiểu, ông Nguyễn Xuân Phú mới ngộ ra rằng, sự khác nhau giữa thương hiệu, giữa niềm tin của người tiêu dùng ảnh hưởng đến 90% kết quả tiêu thụ sản phẩm. Khi bản thân người tiêu dùng đã quen với một thương hiệu nào đó thì rất khó để thay đổi, dù giá của sản phẩm cạnh tranh có giảm 10% đi chăng nữa thì họ cũng sẽ không mặn mà để mua.
“Đấy là khái niệm đầu tiên về thương hiệu mà bản thân tôi ngộ ra. Và khi tôi ngộ ra được câu chuyện đó thì thay vì giảm 10% thì tôi điều chỉnh kỹ thuật, giảm đến 40-50%. Lúc này thì mới bán được chút. Tôi chấp nhận bán lỗ vì tin rằng khi người tiêu dùng dùng thử, họ thấy tốt thì mới tiếp tục mua”, ông nói.
Niềm tin của khách hàng
Tuy nhiên, câu chuyện thương hiệu không đơn giản là tự người dùng mua sản phẩm của mình, mà đó là tổ hợp của rất nhiều hành động của một doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, nhằm chứng minh được lợi ích của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Để họ cảm nhận rằng, họ dùng sẽ được nhiều lợi ích hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường.
“Khi làm thương hiệu, tôi phải tìm ra được điểm nào đó có thể thuyết phục được người tiêu dùng dùng sản phẩm của tôi. Và cách này rất đa dạng, mỗi người sẽ dùng một kiểu. Có người cho dùng thử, mua 1 tặng 1, giảm giá sâu… nhưng tất cả phải cộng hưởng với việc đi kèm sản phẩm là đảm bảo các tiêu chí từ chất lượng, dịch vụ, kiểu dáng, mẫu mã…”, ông Phú nói và nhấn mạnh rằng, khi sản phẩm đã có nhiều người dùng, được người dùng tín nhiệm thì ắt sẽ có thương hiệu.
Trong chia sẻ của mình tại diễn đàn, ông Phú thừa nhận cái may của Sunhouse là ở thời điểm. Bởi khi Việt Nam bắt đầu hình thành Chương trình người Việt dùng hàng Việt; xây dựng thương hiệu quốc gia thì Sunhouse may mắn là một trong những doanh nghiệp được công nhận.
“Khi có sự bảo trợ của Nhà nước thì chúng tôi tiếp tục tạo dựng cho lòng tin người tiêu dùng tăng lên. Đây cũng chính là sức mạnh giúp cho Sunhouse nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường. Bây giờ, cùng một sản phẩm cùng loại, nói vui rằng Sunhouse có thể bán đắt hơn 5-10% nhưng người ta vẫn mua. Chuyện có thương hiệu và không có thương hiệu nó tạo ra một nét rất rõ ràng”, ông nói.
Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cũng khẳng định việc khi đã có niềm tin của khách hàng thì càng phải gia tăng sức lao động, giảm chi phí, gia tăng hậu mãi để làm sao người tiêu dùng nhận lại được tổng lợi ích lớn hơn so với đối thủ cạnh tranh.
PGS Nguyễn Quốc Thịnh - Chuyên gia t hương hiệu, Thành viên Ban chuyên gia Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam bày tỏ: T hương hiệu quốc gia không phải chỉ là một logo, một danh xưng mà là bảo chứng cho chất lượng sản phẩm, gây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu là nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp .
Xem thêm:
Thương hiệu quốc gia Việt Nam đang được định giá 388 tỷ USD