Shark Phú giải bài toán khởi nghiệp Sunhouse: Chi phí sản xuất 190 nghìn đồng, tại sao có thể bán ra với giá 130 nghìn đồng?
"Năm đầu tiên lỗ hơn 1 tỷ đồng, cảm giác nếu tiếp tục sẽ mất hết. Bản thân trong Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty đã nảy sinh mâu thuẫn, một cổ đông rút lui. Bản thân tôi khi đó cũng rất mệt mỏi", Shark Phú đã chia sẻ về kỷ niệm những ngày đầu đầy khó khăn của Sunhouse
Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse tiền thân là Công ty TNHH Phú Thắng được thành lập ngày 22/5/2000.
Năm 2004, Sunhouse liên doanh với Công ty TNHH Sunhouse Hàn Quốc, thành lập Công ty TNHH Sunhouse Việt Nam và xây dựng nhà máy liên doanh sản suất đồ gia dụng, dây chuyền ứng dụng công nghệ Anodized lạnh tiên tiến từ Hàn Quốc tại khu vực Asean.
Năm 2010, Sunhouse chính thức lấy tên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse, đầu tư vào nhiều lĩnh vực đa dạng (hàng gia dụng, điện gia dụng, thiết bị nhà bếp, thiết bị điện công nghiệp, máy lọc nước, thiết bị chiếu sáng…).
Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse là ông Nguyễn Xuân Phú hay thường được biết đến là "Shark Phú", vị "cá mập" ưa thích phân tích "bức tranh tài chính" của các Startup.
Shark Phú sinh năm 1971, tại một làng quê cạnh thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (cũ). Ông tốt nghiệp đại học Kinh tế quốc dân và có thời gian làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài trước khi thành lập công ty riêng.
Trong chương trình "Đường đến thành công" phát sóng số tết 2013 trên kênh VTC10, ông Nguyễn Xuân Phú đã chia sẻ về chặng đường lập nghiệp của mình một cách chi tiết.
Ông Phú cho biết ông khởi nghiệp với số vốn 20 triệu đồng. Ông kể, sau thời gian làm việc ở Ford Việt Nam, tích lũy được số tiền 30 triệu đồng, ông đã cho bạn vay 10 triệu đồng mua nhà, còn lại 20 triệu đồng để làm vốn kinh doanh.
Bằng cách kinh doanh nhập hàng từ nước ngoài về bán, ông Phú làm rất nhiều thứ, từ bánh kẹo, cáp điện, đồ gia dụng... trong vòng 3 năm.
Khi có cơ hội thường xuyên sang Hàn Quốc, ông Phú cảm thấy đầu tư nhà máy không quá khó, trong khi giai đoạn đó ở Việt Nam chưa sản xuất được hàng hóa, ông đã quyết định thành lập nhà máy sản xuất đồ gia dụng.
Khi chính thức thành lập doanh nghiệp, ông Phú đã huy động được 2 cổ đông nữa, tăng vốn lên 1,5 tỷ đồng.
Những sản phẩm đầu tiên ra đời năm 2004, khi mọi người chưa biết đến thương hiệu Sunhouse. Bản thân ông Phú khi ấy chưa có kinh nghiệm, sản xuất với số lượng ít, giá thành cao nên khó bán.
"Giai đoạn đầu tiên đó, có một nhà máy vốn 100% Hàn Quốc trong phía Nam, khi họ biết tôi ra sản phẩm, họ đã bán giá bằng giá vốn tôi sản xuất ra, thương hiệu của họ chiếm tới 90% thị trường nội địa. Như vậy để cạnh tranh với họ là điều rất rất khó khăn", ông Phú nhấn mạnh.
Năm đầu tiên lỗ hơn 1 tỷ đồng, cảm giác nếu tiếp tục sẽ mất hết. Bản thân trong HĐQT công ty đã nảy sinh mâu thuẫn, một cổ đông rút lui lại chính là người nắm mảng phân phối sản phẩm của nhà máy
" Bản thân tôi khi đó cũng rất mệt mỏi ", ông thừa nhận
Trong tình cảnh đó, câu hỏi đặt ra trong đầu ông Phú là "đi tiếp hay dừng lại?". " Dừng lại thì mất hết, nhưng nếu tiếp tục thì phải làm như thế nào ?", ông Phú trăn trở.
Bước ngoặt quan trọng đã đến sau quyết định táo bạo của ông Phú, đó là "Bán lỗ" , dù nguồn tài chính công ty khi đó đang vô cùng eo hẹp.
Sunhouse nhận đơn hàng sản xuất lớn cho thương hiệu bếp ga nổi tiếng Rinnai, chi phí sản xuất ra hết 190 nghìn đồng, nhưng phải chấp nhận bán với giá 130 nghìn đồng. Nhờ vậy, toàn bộ hàng hóa mang thương hiệu Sunhouse đã "đi theo" thương hiệu bếp ga Rinnai phủ khắp các ngõ ngách trên toàn quốc.
Thương hiệu Sunhouse dần quen thuộc hơn với người tiêu dùng nhưng câu chuyện rượt đuổi về giá thành sản xuất vẫn chưa thể chấm dứt.
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc đã tự chủ được sản xuất nên có giá vốn rất tốt, họ chỉ cần bán với giá thành ngang bằng giá vốn của Sunhouse đã có lãi.
Còn Sunhouse phải nhập toàn bộ nguyên liệu từ nước ngoài về, chưa tự chủ được nguyên liệu, vì vậy giá thành cao, luôn luôn cao hơn giá bán của đối thủ.
Để giải bài toán khó này, sau khi cân nhắc, ông Phú đã quyết định dồn toàn bộ vốn liếng từ những mảng khác để tiếp tục đầu tư nhà máy sản xuất nhôm và quai núm vào năm 2005, 2006. Nhờ đầu tư để chủ động nguyên liệu này sau đó đã giúp giá thành sản phẩm giảm xuống đáng kể.
Năm 2007, Sunhouse thực sự chiếm lĩnh được thị trường, tự chủ được nguyên liệu, kiểm soát được giá thành sản xuất và bắt đầu có lãi.
Muốn một đất nước phát triển, bắt buộc đất nước đó phải sản xuất ra được hàng hóa và dịch vụ, Đấy là cái gốc tạo ra của cải. Tôi không thể từ bỏ được. Tôi quyết tâm bằng mọi cách phải thành công trong sản xuất
Từ số vốn khởi nghiệp 20 triệu đồng, sau hơn 20 năm, tới nay vốn điều lệ của Sunhouse theo đăng ký kinh doanh mới nhất đã lên đến 1.187 tỷ đồng.
Hiện nay, Sunhouse cũng đã trở thành thương hiệu hàng gia dụng nổi tiếng ở Việt Nam với hệ thống phân phối rộng. Công ty này sở hữu cụm 8 nhà máy tại Km21 Đại lộ Thăng Long KCN, Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội sản xuất các nhóm sản phẩm như chảo chống dính, inox, lắp ráp điều hòa, nhà máy nhôm nhựa, bóng đèn, mạch điện tử,... trên tổng diện tích 100.000m2 với hơn 2.500 nhân viên.
Trọng Nghĩa
Theo Nhịp Sống Kinh Tế