Shark Phú gay gắt khi startup không biết điểm hòa vốn: "Có mấy cửa hàng mà quên thì anh nghĩ là anh không thể đầu tư vào người quên được"
Shark Phú đã nhận xét rất thẳng thắn sau khi "quay" startup một hồi về điểm hòa vốn của cửa hàng.
Trong tập 5 của chương trình Shark Tank mùa 5 với màn gọi vốn của Melya - 1 thương hiệu thời trang nữ thuộc phân khúc trung- cao cấp, Shark Nguyễn Xuân Phú thêm một lần lại chứng tỏ kiến thức về quản trị tài chính của mình.
"Anh nói em kinh nghiệm quản lý chuỗi. Khi em chưa hoàn chỉnh mô hình thì khi em nhân rộng đó là một rủi ro cực lớn", Shark Phú thẳng thắn nhận định với CEO của Melya.
Ông Phú phân tích: khi mở chuỗi phải xác định phục vụ bao nhiêu dân số ở quanh khu vực điểm bán. "Một lời khuyên là trước khi em mở chuỗi hãy chuẩn hóa 1 mô hình, và tính được các tiêu chí rất cụ thể mở 1 điểm phục vụ khoảng bao nhiêu dân, hoặc trong bán kính bao nhiêu cây số, chi phí của nó bao nhiêu, chi phí quản lý chung phân bổ trên cửa hàng là bao nhiêu, lãi định mức 1 cửa hàng là bao nhiêu, tối thiểu, tối đa thì các em hãy nhân rộng. Chứ anh hỏi em vẫn đang nắm rất lơ mơ", Shark Phú nói.
CEO của Melya phản hồi, có 1 chỉ số trả lời được, ví dụ như chỉ số mặt bằng nhưng Shark Phú ngay lập tức cắt ngang.
"Tổng thể 1 chỉ số điểm bán để có lãi thì doanh số tối thiểu là bao nhiêu?", vị chủ tịch Sunhouse hỏi.
Khi CEO Melya Cao Tiến Thành khẳng định doanh số tối thiểu để hòa vốn là 200 triệu, Shark Phú đã xoay vị CEO này như "chong chóng".
Cụ thể, sau khi Cao Tiến Thành đưa ra cơ cấu chi phí bao gồm: Chi phí mặt bằng 10%, giá vốn 30%, chi phí nhân viên 10%, marketing 13%, chi phí khác 20%, Shark Phú hỏi ngược lại " Một cửa hàng mấy nhân viên?"
Trả lời " Một cửa hàng 4 nhân viên"
Shark Phú: " Làm sao 20 triệu đủ được?"
Khi các Shark khác cũng tỏ ra nghi ngờ vì sao trả lương có 5 triệu/người/tháng, CEO Melya giải thích " Đấy là điểm hòa vốn, còn thực tế của em là doanh thu 430 triệu đồng/cửa hàng"
Theo ý của Cao Tiến Thành, tỷ lệ 10% chi phí nhân viên là tính theo doanh thu hiện tại, tương đương 40 triệu đồng.
Shark Phú vốn là người giỏi về tài chính nên khá gay gắt khi Startup không phân biệt được điểm hòa vốn.
"Không thể quên được. Vì có mấy cửa hàng mà quên thì anh nghĩ là anh không thể tin tưởng đầu tư vào người quên được. Anh nghĩ là nó phải nằm trong não của mình. Phải thuộc vanh vách chứ. Khi nào các em thuộc lòng cái đó các em hãy mở chuỗi", Shark Phú thẳng thắn nói.
Rốt cuộc, sau khi 4/5 Shark từ chối thương vụ này, Shark Bình tuyên bố sẽ rót vào startup thời trang cao cấp này 500.000 USD cho 10% cổ phần; 500.000 USD còn lại cho khoản vay chuyển đổi với tỷ lệ lãi suất đàm phán sau.
Vậy, điểm hòa của một cửa hàng được tính như thế nào?
Điểm hoà vốn là một chỉ số vô cùng quan trọng mà các doanh nghiệp, cửa hàng hoạt động sản xuất kinh doanh cần xác định trước khi vận hành hoạt động. Điểm hòa vốn (tiếng Anh: Break Even Point, viết tắt: BEP) là điểm mà tại đó tổng doanh thu bằng tổng chi phí.
Để tính toán được điểm hòa vốn, trước hết cần phân biệt được 2 loại chi phí đó là chi phí biến đổi và chi phí cố định.
Chi phí cố định hay còn gọi là định phí là những phần chi phí kinh doanh không thay đổi theo quy mô sản xuất, nếu xét trong một khuôn khổ công suất sản xuất nhất định.
Ví dụ, tiền thuê cửa hàng của một doanh nhân không phụ thuộc vào doanh thu hoặc sản lượng bán hàng trong kỳ. Hay chi phí thuê nhân viên bán hàng (tối thiểu) để duy trì hoạt động 1 cửa hàng. Những chi phí này phải được cố định trong kỳ và có thể dự báo được mức độ tăng (quy định trong hợp đồng, thỏa thuận với các đối tác)
Ngược lại, chi phí biến đổi là (biến phí) có thể tăng hay giảm cùng với mức tăng giảm sản lượng sản xuất. Ví dụ giá vốn sản phẩm, doanh thu càng nhiều thì giá vốn càng tăng.
Bản chất tính điểm hòa vốn là tìm được điểm cân bằng mà ở đó chênh lệch giữa doanh thu và chi phí biến đổi đủ bù đắp được chi phí cố định.
Trong trường hợp của CEO Melya, sở dĩ bị Shark Phú "xoay như chong chóng" là vì Startup đã "vơ" chi phí cố định và chi phí biến đổi quy hết ra số tương đối.
Bài toán về doanh thu hòa vốn sẽ trở nên dễ giải hơn khi tập hợp các chi phí cố định bằng số tuyệt đối. Giả sử chi phí thuê (thấp nhất) là 20 triệu đồng/tháng; chi phí lương nhân viên bán hàng (tối thiểu 3 người để duy trì bán hàng) là 30 triệu đồng/tháng, chi phí quản lý phân bổ cho 1 cửa hàng là 20 triệu đồng/tháng, chi phí khấu hao tài sản cố định là 10 triệu đồng/tháng, chi phí điện nước, hư hao, khác,... 10 triệu đồng/tháng.
Như vậy, Tổng chi phí cố định = 20 30 20 10 10 = 90 triệu đồng/tháng.
Tiếp theo, liệt kê các chi phí biến đổi theo tỷ lệ %/ doanh thu, chẳng hạn giá vốn chiếm 30% doanh thu, chi phí marketing chiếm 10% doanh thu, tổng cộng chi phí biến đổi = 40% doanh thu.
Đến đây, chỉ cần cho chênh lệch Doanh thu hòa vốn - Chi phí biến đổi = Tổng chi phí cố định
Hay chính là 60% doanh thu hòa vốn (tháng) = 90 triệu đồng, như vậy dễ dàng có được kết quả doanh thu hòa vốn (tháng) = 150 triệu đồng.
Đương nhiên, đây là con số ví dụ minh họa chứ không phải là thực tế của Melya. Việc tính toán cụ thể cần dựa theo thực tế doanh nghiệp và cần được xem xét đầy đủ chi phí, tính đến cả những chi phí không bằng tiền như chi phí khấu hao hay chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho với mặt hàng có tính lỗi mode như quần áo thời trang.
Ngoài ra, trong tính toán có thể đưa vào thông số về chi phí sử dụng vốn như lãi vay để tính toán điểm hòa vốn tài chính hoặc đơn thuần chỉ tính toán điểm hòa vốn kinh tế.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế