'Shark' Louis Nguyễn gửi đơn từ nhiệm tại Đạm Phú Mỹ

Chia sẻ Facebook
16/03/2023 02:08:00

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (HOSE: DPM) ngày 13/03 đã nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập của ông Louis T Nguyễn do bận công việc điều hành tại Saigon Asset Management.

'Shark' Louis Nguyễn gửi đơn từ nhiệm tại Đạm Phú Mỹ


Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP ( HOSE : DPM ) ngày 13/03 đã nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập của ông Louis T Nguyễn do bận công việc điều hành tại Saigon Asset Management.


Sau khi được miễn nhiệm, ông Louis T Nguyễn mong muốn được tiếp tục hợp tác với HĐQT và Ban Giám đốc DPM trong vai trò cố vấn để hỗ trợ, như hỗ trợ Ban Lãnh đạo BASF (Đức) về cơ hội thành lập liên doanh sản xuất, phân phối, kinh doanh hóa chất với DPM .


Ông Louis cũng mong muốn tiếp tục hỗ trợ kết nối và làm việc với các đối tác chiến lược tiềm năng, đồng thời tìm kiếm đối tác tài chính để phục vụ mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu của PVN tại DPM theo kế hoạch của Ủy ban quản lý vốn (CMSC) và Chính phủ Việt Nam.


Nếu đơn từ nhiệm của ông Louis được thông qua, HĐQT DPM sẽ còn 4 người, trong đó Chủ tịch là ông Hoàng Trọng Dũng , các thành viên gồm ông Lê Cự Tân , ông Dương Trí Hội và ông Trịnh Văn Khiêm .

Hiện, ông Louis đang giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Saigon Asset Management. Tháng 4/2021, ông Louis Nguyễn được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT độc lập tại Đạm Phú Mỹ.


Theo Báo cáo quản trị của DPM công bố ngày 17/01, ông Louis Nguyễn không nắm giữ cổ phần nào tại đây.


Ông Louis T Nguyễn tên thật là Nguyễn Thế Lữ sinh năm 1963, được biết đến là một nhân vật từng ngồi ghế nóng của chương trình Shark Tank Việt Nam.


Ông Louis là Cử nhân Tài chính kế toán - Đại học bang San Jose, California, Mỹ và đã sinh sống và làm việc tại Thung lũng Sillicon hơn 30 năm và từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong các tập đoàn lớn tại Mỹ như KPMG , Apple, Ngân hàng đầu tư Intelligent Capital và quản lý các quỹ đầu tư tại Việt Nam như IDG Ventures Vietnam, Quỹ đầu tư mạo hiểm Osprey Ventures và VinaCapital và Việt Nam Equity Holding.

Ở diễn biến khác, Đạm Phú Mỹ dự kiến sẽ thực hiện cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào ngày 27/04, địa điểm tổ chức sẽ được Công ty thông báo sau. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 27/03/2023.


Về tình hình kinh doanh, năm 2022, DPM đạt doanh thu thuần 18.6 ngàn tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước. Lãi ròng ở mức 5.6 ngàn tỷ đồng, tăng 79%. Tại ĐHĐCĐ bất thường cuối tháng 12 vừa qua, Công ty đã thông qua mức chi cổ tức 7,000 đồng/cp bằng tiền mặt cho năm 2022 trước kết quả ấn tượng năm vừa qua.


Dự kiến trong cuối quý 1/2023, DPM sẽ thực hiện chi trả cổ tức đợt 1/2022 với tỷ lệ 40% (4,000 đồng/cp).Với hơn 391.3 triệu cp đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp này cần chi hơn 1,565 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức cho cổ đông. Nguồn chi trả từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2022.


Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, DPM đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 17.4 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 2.7 ngàn tỷ đồng.


Trên sàn chứng khoán, kết phiên 15/03, giá cổ phiếu DPM dừng ở mức 33,800 đồng/cp, giảm 23% so với đỉnh ngắn hạn 43,700 đồng/cp (phiên 31/01).

Giá cổ phiếu DPM từ đầu năm 2023 đến nay

Thế Mạnh

Chia sẻ Facebook