Shark Liên – vị “cá mập” nặng lòng với startup trẻ
Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 5, cho dù có đầu tư cho startup hay không, Shark Liên đều mang đến động lực, lời khuyên, bài học để cổ vũ startup dũng cảm tiến bước trên hành trình khởi nghiệp.
Lớn lên trong thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn, xa quê khởi nghiệp tự thân từ khi còn trẻ, cho đến khi gây dựng nên những đế chế có tiếng tăm trên thị trường, Shark Liên thấu hiểu rất rõ những nỗi đau, khó khăn, vất vả mà các startup phải trải qua để có thể đi đến thành công. Đó chính là một trong những lý do thôi thúc bà đến với Shark Tank Việt Nam để trở thành "bà đỡ", tạo ra bệ phóng thành công cho các nhà khởi nghiệp trẻ.
Đồng hành cùng Shark Tank Việt Nam liên tiếp 3 mùa, Shark Liên luôn đau đáu tâm niệm làm sao có thể hỗ trợ tối đa cho các startup. Dưới sự đánh giá của bà, cái mà startup cần không chỉ là vốn mà còn nhiều hơn thế. Đó là sự động viên, những lời khuyên, định hướng của người đi trước để startup có thêm động lực và sự tham khảo, giúp rút ngắn quãng đường đi đến thành công.
"Tôi nghĩ mình cần làm điều gì đó cho các nhà khởi nghiệp trẻ. Tiền hay cái gật đầu, đầu tư không phải là tất cả; nhiều khi sự xuất hiện của mình, niềm tin của mình trao cho các startup cũng là một tài nguyên, một kho báu giúp ích cho các bạn rất nhiều trên con đường dài gian nan phía trước", Shark Liên viết trên trang cá nhân của mình.
Trải qua 3 tập đầu tiên của Shark Tank Việt Nam mùa 5, ngoài các startup đã được bà chốt deal như EM & AI, VMeta, các startup còn lại dù không ra quyết định đầu tư, bà cũng mở lòng về việc sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của mình. Bà ngỏ ý trở thành nhà bảo hiểm cho startup Jungle Boss với mức phí ưu đãi và lợi nhuận sẽ trích ra để cùng startup trồng rừng. Với startup Shondo, Shark Liên cho biết có thể giúp startup giới thiệu sản phẩm đến với giới trẻ.
Cá biệt có trường hợp của startup trứng gà cà gai leo Sadu đã lọt vào "mắt xanh" của Shark Liên vì bà luôn muốn làm những việc liên quan đến nguồn gốc của mình là xuất thân từ một gia đình nghiên cứu và làm nông nghiệp. Tuy nhiên, khi nhìn thấy startup có hứng thú với Shark Hưng, bà đã khuyến khích startup mạnh dạn đưa ra lựa chọn để tìm được người cùng chí hướng đồng hành trên chặng đường dài.
Với các startup trẻ khác, dù từ chối đầu tư nhưng Shark Liên cũng hết lòng đưa ra những nhận định, tư vấn để startup có thể tham khảo thêm trong quá trình khởi nghiệp.
Nhận định mô hình kinh doanh của startup bán vàng theo hình thức thu tiền tích lũy online còn khá mạo hiểm, bà nhấn mạnh: "Đối với chị, chị phải bảo vệ người tiêu dùng đầu tiên. Mình không bao giờ để rủi ro xảy ra đối với người tiêu dùng".
Còn với startup mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò, dù ấn tượng với nhà sáng lập nữ dấn thân vào con đường làm công nghệ nhưng trước một startup chưa có doanh thu mà định giá doanh nghiệp quá cao, bà cũng thẳng thắn góp ý cho startup.
Tương tự với startup ứng dụng kết nối phụ huynh với các cơ sở giáo dục, bà dành lời động viên cho nữ sáng lập khi đã có tiêu chí và định hướng đúng đắn. Tuy vậy bà cũng chỉ ra điểm yếu của startup: "Ở đây em đang gọi một số vốn mà chị không hiểu em dựa vào đâu để em tính toán. Em đưa lên đến 1,8 triệu (đô la) mà em chưa có gì trong tay cả, làm sao các Shark có thể đi theo em được".
Quyết liệt trong kinh doanh, dứt khoát khi đầu tư và thẳng thắn là thế nhưng với trái tim ấm áp, Shark Liên không quên nhắn nhủ các startup: "Tôi mong các founder không buồn lòng và hãy tiếp tục hết mình cháy với đam mê. Với tôi, thành công không có bất kỳ một công thức chung nào cả; khi founder quyết liệt, định hướng nhân văn, chịu lắng nghe học hỏi người đi trước, đặt cả tâm huyết của mình vào thì chắc chắn startup đã có đủ tư cách trở thành ứng cử viên sáng giá cho đỉnh cao thành công".
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế