Serbia sắp mua chiến đấu cơ đa nhiệm của Pháp

Chia sẻ Facebook
10/04/2024 06:28:44

Thông qua việc mua máy bay phản lực Rafale, Serbia có thể hiện đại hóa lực lượng không quân, vốn bao gồm chủ yếu là máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô.


Serbia sắp ký thỏa thuận mua 12 máy bay chiến đấu đa nhiệm Rafale của Pháp, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết hôm 9/4. Động thái này có khả năng sẽ đánh dấu bước chuyển của quốc gia vùng Balkan khỏi nhà cung cấp quân sự truyền thống là Nga .


Thông tin trên được ông Vucic đưa ra trong chuyến thăm 2 ngày tới Paris và sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như các quan chức quốc phòng Pháp và các nhà sản xuất hàng quốc phòng danh tiếng của quốc gia Tây Âu như hãng Rafale Dassault Aviation.


Tổng thống Serbia cho biết, ông đã có cuộc trò chuyện rất vui vẻ với ông Macron vào tối hôm 8/4, kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, và hai bên “đã đạt được những thỏa thuận cụ thể về việc mua máy bay chiến đấu Rafale”.


Ông Vucic cho biết, các hợp đồng sẽ được ký trong 2 tháng tới với sự hiện diện của ông Macron, đồng thời nói thêm rằng việc mua các máy bay phản lực tinh vi của phương Tây sẽ mở rộng đáng kể sự hợp tác quân sự và các lĩnh vực khác giữa hai bên.


Chi tiết tài chính của thỏa thuận tiềm năng vẫn chưa được công bố, nhưng các phương tiện truyền thông thân Chính phủ Serbia ước tính trị giá khoảng 3 tỷ Euro (3,2 tỷ USD) cho toàn bộ thỏa thuận.

Máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Paris ở Le Bourget, tháng 6/2023. Ảnh: Balkan Insight


Serbia đã cân nhắc việc mua các máy bay phản lực Rafale mới trong hơn 2 năm kể từ khi đối thủ láng giềng Balkan là Croatia mua 12 máy bay chiến đấu cùng loại đã qua sử dụng với giá khoảng 1 tỷ Euro.


Nga là nhà cung cấp máy bay quân sự truyền thống, bao gồm cả trực thăng chiến đấu, cho Serbia, nước đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Moscow kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.


Việc quân đội Serbia nhanh chóng trang bị vũ khí đã khiến một số nước láng giềng lo lắng sau sự tan rã của Nam Tư vào những năm 1990. Serbia, một ứng cử viên đang chờ gia nhập Liên minh châu Âu (EU), gần như nằm giáp với toàn các nước thành viên NATO.


Trong cuộc hội đàm ở Paris, ông Vucic và ông Macron cũng thảo luận về những căng thẳng âm ỉ ở Kosovo cũng như hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân và khả năng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Serbia.


Sau thảm họa Chernobyl năm 1986, Serbia đã cấm phát triển năng lượng hạt nhân. Ông Vucic cho biết vào tháng trước tại một hội nghị ở Brussels rằng ông sẽ tìm cách thay đổi luật. Pháp là một trong những nước dẫn đầu thế giới về phát triển hạt nhân dân sự. Các nhà máy hạt nhân chiếm hơn 60% sản lượng điện của nước này .


Minh Đức (Theo AP, RFE/RL)

Chia sẻ Facebook