Sếp Trung Nguyên: Đã có 15 triệu người dùng cà phê G7 thường xuyên ở Trung Quốc
Sau sự thâm nhập của G7, việc bắt đầu mở các cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend là động thái tiếp theo nhằm tiến vào thị trường F&B nhiều tiềm năng nhưng cũng lắm thách thức.
Mới đây, thương hiệu Trung Nguyên Legend đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thượng Hải, đánh dấu bước tiến mới của Tập đoàn Trung Nguyên ở thị trường Trung Quốc. Những hình ảnh đầu tiên về cửa hàng này cũng đang nhận được sự chú ý của người tiêu dùng.
Trước đó, Trung Nguyên đã phát triển mạng lưới nhà phân phối, đối tác tại Trung Quốc, đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch và tham gia vào nhiều hội chợ triển lãm quốc tế lớn. Cuối năm 2017, thương hiệu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ mở văn phòng đại diện tại Thượng Hải. Thời điểm đó, Trung Nguyên đặt mục tiêu tham vọng với doanh thu 1,6 tỷ USD từ thị trường tiêu thụ cà phê trị giá 9 tỷ USD của Trung Quốc. Thông cáo của tập đoàn trích lời Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng chỉ cần mỗi người dân Trung Quốc bỏ ra 1 USD mỗi năm cho cà phê hòa tan Trung Nguyên thì đã đủ đạt được con số tham vọng 1,6 tỷ USD.
Theo thông tin mới nhất do ông Lý Thanh Hải – Giám đốc phát triển kinh doanh thị trường toàn Trung Quốc của Tập đoàn Trung Nguyên Legend chia sẻ trên báo chí, hiện Tập đoàn đã có 15 nhà nhập khẩu, 300 nhà phân phối thứ cấp, 30.000 điểm bán trên kênh offline (bao gồm các đại siêu thị) và hàng vạn cửa hàng trên kênh online như JD, Amazon, Taobao.com, Tmall.com, Century Mart,.. Đặc biệt, đã có trên 15 triệu người dùng thường xuyên cà phê G7 tại Trung Quốc.
Trong 2 năm 2016-2017, doanh thu của Trung Nguyên tại thị trường Trung Quốc (bao gồm Hong Kong và Đài Loan - Trung Quốc) ước tính đạt hơn 30 triệu USD.
"Chúng tôi đã mất hơn 1 năm chỉ để xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các nguồn lực trước khi tham gia thị trường Trung Quốc và gần 5 năm trời chuẩn bị để triển khai hệ thống quán Trung Nguyên Legend tại đây".
Vị sếp Trung Nguyên cũng thẳng thắn chia sẻ, các doanh nghiệp khi đầu tư vào nước ngoài cần một hành trình dài hơi, cần nguồn lược chuẩn bị đủ cho khoảng thời gian hoạt động tối thiểu là 3-5 năm. Có những thương hiệu quốc tế khi bước chân vào Trung Quốc cũng đã xác định 10-15 năm đầu không có lợi nhuận.
Trên thực tế, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng với mức tiêu thụ cà phê tăng trưởng trung bình 15%/năm (theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc) nhưng đồng thời chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu lớn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng tại thị trưởng 1,4 tỷ dân cũng không hề "dễ tính".
Starbucks đang được coi là chuỗi cà phê lớn nhất nhì ở Trung Quốc, khi đã bước vào thị trường này từ năm 1999 và hiện có 5.400 cửa hàng tại hơn 200 thành phố. Thương hiệu này đang đặt mục tiêu chạm mốc 6.000 cửa hàng cho đến cuối năm 2022.
Ngoài ra, Luckin Coffee cũng là cái tên gây nhiều chú ý tại thị trường tỷ dân. Thương hiệu này từng "phả hơi nóng" vào Starbucks khi "lớn nhanh như thổi", tăng từ 1.189 cửa hàng (vào quý 3/2018) lên 3.680 cửa hàng chỉ sau một năm. Báo cáo doanh thu quý 3/2019 đạt hơn 208 triệu USD, tăng tới 558% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đến năm 2020, Luckin Coffee bị điều tra về việc ngụy tạo doanh thu, CEO và COO bị sa thải. Ngày 5/2/2020, Luckin đã nộp đơn xin phá sản tại Mỹ nhằm tái cơ cấu công ty. Dẫu vậy, đến tháng 5/2022, Luckin Coffee dường như đang hồi sinh khi công bố đã có lợi nhuận với chuỗi gần 7.200 cửa hàng.
Ngoài ra, thị trường Trung Quốc còn có sự góp mặt của một số thương hiệu khác như Costa Coffee (từ Vương Quốc Anh) với 400 cửa hàng, Tim Hortons (từ Canada) với hơn 300 chi nhánh.
Theo số liệu từ một chuyên trang về cà phê, Thượng Hải – nơi cửa hàng Trung Nguyên Legend đầu tiên khai trương, có dân số hơn 25 triệu người và hiện có hơn 7.000 cửa hàng cà phê.
Hoàng Thuỳ