'Sếp' ngân hàng Trung ương Singapore cảnh báo: Kinh tế toàn cầu đối mặt 4 rủi ro lớn
Giám đốc Ngân hàng Trung ương Singapore Ravi Menon cho biết kinh tế toàn cầu không chỉ phải đối mặt với 1 mà là 4 bất ổn lớn.
Trong phát biểu tại Hội nghị SuperReturn Asia, ông Menon đã liệt kê nguy cơ suy thoái nghiêm trọng, lạm phát kéo dài, ảnh hưởng từ địa chính trị đối với thị trường và rủi ro khí hậu với danh mục đầu tư là những vấn đề hàng đầu mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt.
Câu hỏi quan trọng hiện nay là suy thoái sẽ kéo dài và nghiêm trọng đến mức nào? Điều đó phụ thuộc vào mức độ lạm phát. Khi lạm phát cao và dai dẳng, các ngân hàng trung ương sẽ chẳng có cách nào ngoài việc thắt chặt tiền tệ mạnh hơn nữa và kéo dài hơn so với dự đoán của thị trường.
Singapore, giống như nhiều nền kinh tế toàn cầu, đang phải vật lộn với lạm phát chưa đạt đỉnh và thị trường lao động eo hẹp, khiến các doanh nghiệp đau đầu vì thiếu nhân công khi cố gắng tăng trưởng hậu đại dịch. Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đã 4 lần tăng lãi suất trong năm qua, bao gồm 2 quyết định bất ngờ. Dự kiến, họ sẽ tiếp tục thắt chặt lãi suất một lần nữa vào tháng tới để làm chậm lạm phát vào cuối năm từ mức 7% của hiện tại.
Ông Menon cảnh báo lạm phát trung hạn có thể sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn so với những gì chúng ta chứng kiến gần đây. Cùng với đó, kỷ nguyên tiền rẻ và nhân công giá rẻ có thể đã kết thúc.
Singapore đã cố giữ tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định trong năm nay khi mà bối cảnh vô cùng khó khăn. Dẫu vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng đảo quốc sư tử sẽ chỉ duy trì được mức tăng trưởng 3,6%, thấp hơn nhiều so với 8% của năm ngoái. Đây cũng sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại như Singapore cũng dễ bị ảnh hưởng bởi triển vọng toàn cầu không tươi sáng. Một số vấn đề được chỉ ra bao gồm khả năng tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc – đối tác thương mại số 1 của Singapore. Cùng với đó, cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu sẽ tạo thêm áp lực, buộc MAS tiếp tục phải thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi đồng nội tệ chịu ít tác động hơn các đồng tiền khác trong khu vực.
Cũng tại hội thảo, ông Menon đề xuất 3 trục nhằm đảm bảo cho kinh tế Singapore tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh mới. Chúng gồm: Hướng từng tăng trưởng tới lợi nhuận bền vững; xoay trục sang Nam và Đông Nam Á và hướng tới tín dụng tư nhân như một con đường mới để huy động vốn.
Suy thoái toàn cầu hiện đang là bài toán hóc búa của tất cả các quốc gia. Trong báo cáo công bố hôm 15/9, Ngân hàng Thế giới ước tính GDP toàn cầu chỉ tăng 0,5% trong năm tới nhưng GDP/đầu người lại giảm 0,4%. Tổ chức này khẳng định đây là suy thoái toàn cầu, ít nhất là dựa theo lý thuyết của họ.
Các chuyên gia cũng tin rằng suy thoái đang gõ cửa. Các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Canada hay châu Âu đều đứng trước nguy cơ suy thoái trong cuối năm nay và đầu năm sau. Dù có gọi đó là suy thoái hay không thì triển vọng kinh tế yếu là thực tế không thể phủ nhận.
Tham khảo: Bloomberg