Sếp ngân hàng mong giảm lãi suất sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng
Tổng Giám đốc MB, TPBank tiết lộ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mình hiện tại đạt lần lượt 6,5% và 5%, sau đợt giảm lãi suất này, kỳ vọng tín dụng sẽ tăng lên.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp
Sau khi các quyết định giảm lãi suất điều hành mới nhất có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông tin liên quan tình hình lãi suất huy động - cho vay trên thị trường.
Theo đó, cơ quan này cho rằng, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cơ quan quản lý tiền tệ cho biết, thời gian tới, lạm phát toàn cầu được dự báo duy trì ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong nước, lạm phát chung và lạm phát cơ bản cùng xu hướng giảm nhưng lạm phát cơ bản vẫn tương đối cao.
Do đó, nhà điều hành sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp; tiếp tục có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh .
Giảm được chi phí vốn sẽ hạ đáng kể lãi suất cho vay
Đánh giá về động thái hạ lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng đây là một quyết định đúng đắn, đúng thời điểm và Vietcombank cũng sẽ nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan để trả lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Trong đợt giảm lãi suất thứ ba của Ngân hàng Nhà nước, ông Vinh khẳng định, khi so sánh với mức cho vay hiện nay, khi mặt bằng lãi suất huy động được giảm đồng đều thì đương nhiên lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng.
Còn theo ý kiến của ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB, với thị trường hiện đang hấp thụ vốn rất yếu và kinh tế rất khó khăn như hiện nay thì việc giảm lãi suất điều hành giảm được rất nhiều khó khăn cho khách hàng và cả các ngân hàng trong thời gian tới.
“Tăng trưởng tín dụng của MB từ đầu năm đến nay khoảng 6,5%, chúng tôi kì vọng rằng với mặt bằng lãi suất mới thấp hơn, ngân hàng sẽ đạt được mức tăng trưởng tin dụng tốt hơn trong các tháng còn lại. Dự kiến hết tháng 6 tốc độ tăng trưởng của MB sẽ đạt mức 9%”, ông Ánh chia sẻ.
Ông Nguyễn Hưng Tổng Giám đốc TPBank cũng đánh giá các động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước khá phù hợp. Nó gửi tín hiệu đến thị trường cho thấy nhà điều hành mong muốn lãi suất của thị trường hạ xuống.
Trong quý IV và quý I năm nay có lúc lãi suất tăng lên, nhưng sau các quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất đã giảm, và chỉ khi các lãi suất trên thị trường hạ xuống chi phí vốn hạ thì các ngân hàng thương mại mới có khả năng điều chỉnh mức lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân, khi đó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho phát triển kinh tế.
Ông Hưng cho rằng, lãi suất huy động từ tổ chức và ngân hàng tư nhân thời gian qua đang leo cao. Với động thái này của Ngân hàng Nhà nước chắc chắn trong thời gian tới lãi suất sẽ hạ xuống và chi phí vốn cũng hạ.
Các ngân hàng thương mại đã cố gắng tiết kiệm vốn và chi phí tối đa để có cơ hội giảm lãi suất nhưng vấn đề lớn nhất trong khấu phần lãi suất cho vay là chi phí vốn. Nếu giảm được chi phí vốn các ngân hàng rất có cơ hội giảm đáng kể hơn lãi suất cho vay.
Ông Hưng cũng tiết lộ, mức tăng trưởng tín dụng của TPBank hiện nay là hơn 5%, có thể nói rằng nếu lãi suất thấp hơn, khách hàng dễ tiếp cận vốn hơn. Trong giai đoạn hiện nay, thu nhập của doanh nghiệp đang giảm thấp, chi phí tài chính cao quá cũng là bước cản trở đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng.
“Một khi lãi suất dễ chịu hơn, lúc ấy mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư , sản xuất kinh doanh sẽ có thể khả thi hơn, chúng ta có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng”, CEO TPBank nhận định .