Sẽ thử nghiệm cho vay ngang hàng như thế nào?
Dự thảo nêu rõ, trong quá trình tham gia Cơ chế thử nghiệm, Công ty cho vay ngang hàng không được thực hiện các hành vi như cung cấp biện pháp bảo đảm tiền vay; Cung cấp dịch vụ môi giới thông tin cho việc vay tiền phục vụ hoạt động đầu tư cổ phiếu và các hoạt động mang tính rủi ro cao khác; Sử dụng trái phép nguồn tiền từ khách hàng,...
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo lấy ý kiến về nghị định quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo dự thảo, các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm gồm những lĩnh vực như sau: 1- Cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; 2-Chấm điểm tín dụng; 3- Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API); 4- Cho vay ngang hàng (P2P Lending); 5- Ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng; 6- Ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, triển khai mô hình hợp tác kinh doanh đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm.
Các nhân sự sáng lập, quản lý điều hành không được tham gia vay, cho vay và là bên bảo đảm hoặc bảo lãnh qua giải pháp Fintech do mình vận hành, lợi dụng ưu thế quản lý, điều hành làm thay đổi các thông tin qua giải pháp Fintech, thực hiện hành vi lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Nhân sự quản lý, điều hành Công ty cho vay ngang hàng không được đồng thời là chủ sở hữu, nhân sự quản lý, điều hành của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cầm đồ, kinh doanh đa cấp, là chủ các dây hụi, họ hoặc đang làm trong lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến trung gian thanh toán, ví điện tử.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, NHNN luôn khẳng định hoạt động Fintech là hoạt động mới có thể gây ra các rủi ro tiềm ẩn đối với các chủ thể tham gia thị trường như các tổ chức tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng dịch vụ và chính bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp Fintech.
Ngay cả khi áp dụng các chính sách, biện pháp kiểm soát thì việc triệt tiêu hoàn toàn các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm là điều không thể. Cốt lõi Cơ chế thử nghiệm Fintech được thiết kế để nhận diện, đánh giá rủi ro, lợi ích đối với từng giải pháp Fintech và duy trì, kiểm soát rủi ro (nếu có) ở mức độ cho phép. Do đó, trong quá trình tham gia thử nghiệm, các tổ chức thử nghiệm sẽ phải được theo dõi, giám sát, đánh giá một cách chặt chẽ bởi cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó, kiểm soát được rủi ro phát sinh (nếu có), bảo vệ lợi ích của khách hàng tốt hơn, đồng thời tránh được tác động tiêu cực so với việc triển khai trên quy mô rộng, thời gian dài.
Phụ thuộc vào mức độ tác động và ảnh hưởng của các loại hình rủi ro, cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra các nhận định, đánh giá về mức độ rủi ro, tác động của nó cũng như khả năng thất bại, thành công của các giải pháp thử nghiệm. Trên cơ sở đánh giá này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ triển khai các phương án phù hợp, bao gồm việc chấm dứt thử nghiệm; chứng nhận hoàn thành thử nghiệm hoặc gia hạn thử nghiệm cho tổ chức tham gia thử nghiệm.