Sẽ tăng lương cơ sở từ 1/7/2023
Chiều 17/10, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Theo dự kiến chương trình, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV diễn ra 21 ngày, phiên trù bị và khai mạc diễn ra ngày 20-10, bế mạc vào ngày 15/11. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết. Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến 7 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi); xem xét một số báo cáo và việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại kỳ họp là Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự với việc kiện toàn một số chức danh cấp cao. Ông Bùi Văn Cường cho biết theo nguyện vọng cá nhân và theo sự phân công của cấp có thẩm quyền, dự kiến tại kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể. Việc này là bình thường và Quốc hội sẽ thực hiện quy trình theo đúng quy định.
Trả lời về việc tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%). Đồng thời, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng với đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm; hỗ trợ thêm các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 với mức lương thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi đối với người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở... Việc điều chỉnh này thực hiện từ ngày 1/7/2023; đồng thời điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ dự phòng và y tế cơ sở thực hiện từ ngày 1/1/2023.
Về công tác điều hành xăng dầu gây băn khoăn trong dư luận thời gian qua, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ một cách hợp lý hơn - vừa bảo đảm lợi ích người dân, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu. Riêng việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của xăng dầu, ông Sơn thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu về các loại thuế này với xăng dầu, báo cáo Quốc hội xem xét khi giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa có tờ trình báo cáo Quốc hội về nội dung này. Khi Chính phủ có tờ trình, các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét thẩm tra, trình Quốc hội tại kỳ họp sớm nhất.