Sẽ đề xuất giảm thuế với xăng dầu

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 10:37:34

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh giảm thuế chỉ là một trong nhiều giải pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.


Trong phiên chất vấn sáng nay (8/6), đại biểu Nguyễn Việt Nga (đoàn Hải Dương) đã hỏi quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giải pháp giảm thuế nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?

Theo ông Phớc, giá xăng dầu trong nước hiện nay tăng cao. Tuy nhiên so với các nước xung quanh Việt Nam như Lào, giá vẫn cao hơn của chúng ta khoảng 10.000 - 11.000 đồng/lít. Hay giá tại Thái Lan, Campuchia cũng cao hơn khoảng 2.000 - 3.000 đồng/lít.

Liên quan đến giải pháp giảm thuế để giảm giá xăng dầu trong nước, ông Phớc cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Như với thuế môi trường xăng dầu ban đầu là 4.000 đồng/lít, theo Bộ trưởng Phớc, Bộ đã đề nghị và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm 2.000 đồng thuế môi trường/lít. Việc việc giảm thuế này, tính chung giảm mất khoảng 24.000 tỷ đồng tiền thu ngân sách.

Còn 2.000 đồng/lít tiền thuế môi trường xăng dầu, theo quy định của Luật, Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết định giảm thêm 1.000 đồng/lít nữa. Muốn giảm hết 2.000 đồng/lít thuế môi trường trong xăng dầu thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Với thuế nhập khẩu, theo lộ trình NAFTA sẽ giảm xuống từ 8-8,8%, hiện nay thuế nhập khẩu là 8%. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10%, theo ông Bộ trưởng Bộ Tài chính, có giảm thuế nữa hay không thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

“Trước mắt chúng tôi sẽ đánh giá tác động và báo cáo với Chính phủ để trình với Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có thể giảm thuế, để giảm giá xăng dầu xuống”, ông Phớc thông tin.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng nay (8/6)

Tuy nhiên, ông Phớc khẳng định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, bởi nếu chỉ giảm thuế để giảm giá xuống mà vẫn để tình trạng buôn lậu xảy ra thì vô tình dòng tiền lại chảy ra nước ngoài. Ngoài ra, giá không chỉ phục thuộc vào vấn đề thuế mà còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu.

“Chúng ta mua xăng dầu ở đâu để tốt và rẻ? Mua ở Singapore, Hàn Quốc hay Malaysia? Chúng ta phải tìm được nguồn cung? Chúng tôi sẽ bàn với Bộ Công Thương về việc này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Ngoài ra, ông Phớc cho rằng phải đẩy mạnh sản xuất trong nước để tăng nguồn cung. Nhu cầu xăng dầu trong nước hàng năm là 21 triệu tấn/năm, sản xuất trong nước khoảng 11 triệu tấn. Hiện nhà máy Bình Sơn đạt 100% công suất, trong khi Nghi Sơn sản lượng thấp, do đó cần phải có biện pháp để tăng công suất.


Cần phân rõ trách nhiệm

Góp ý phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ cho rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cần rà soát lại thẩm quyền các loại thuế và phí. Cái nào là trách nhiệm của Quốc hội, cái nào thuộc Thường vụ Quốc hội, cái nào là của Chính phủ?

“Như biểu thuế xuất nhập khẩu, trong công thức giá cơ sở, thuộc trách nhiệm của ai? Không phải thuế nào cũng thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội”, Chủ tịch Quốc Hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh giá cả hoạt động theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước

Ngoài những vấn đề về công cụ thuế, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu toàn diện các công cụ, giải pháp đề hỗ trợ về giá xăng dầu liên quan đến các đối tượng như: Ngư dân đánh bắt xa bờ, người nghèo, người thu nhập thấp….

“Giá cả hoạt động theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Không nên can thiệp quá sâu?

Tranh luận với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về vấn đề giá xăng dầu, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam) tranh luận với Bộ trưởng Tài chính về vấn đề giá xăng dầu sau khi nghe Bộ trưởng trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Theo ông Thân, Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nếu can thiệp quá sâu vào nhiều, tôi cho rằng sẽ không vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Hãy để giá xăng dầu tăng giảm theo giá thế giới, theo cơ chế thị trường.

“Trong nền kinh tế, chúng ta có cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta giảm thuế để giảm giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Cho nên sự can thiệp cần đúng mức, không nên can thiệp quá sâu”, ông Thân cho hay.

Tranh luận lại vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính nêu quan điểm, việc giảm giá xăng dầu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Như góp phần giảm chi phí của doanh nghiệp, giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy cạnh tranh và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó tăng tích luỹ cho nền kinh tế.

“Khi tích luỹ nền kinh tế tăng lên, chúng ta có thể thu được thuế thông qua việc tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một giải pháp, còn việc giảm mức nào, cần tính toán kỹ lưỡng”, Bộ trưởng cho hay.

Chia sẻ Facebook