Sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành trong quý 4?
Nhiều tổ chức phân tích dự báo NHNN sẽ nâng thêm lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm nhằm đối phó với áp lực từ FED khi dự trữ ngoại tệ không còn quá dồi dào.
Trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3/2022 và dự báo quý 4/2022, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã gây bất ngờ với việc thắt chặt lãi suất vào cuối giờ chiều 22/9, qua đó báo hiệu bắt đầu chu kỳ bình thường hóa chính sách sau khi FED tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp vào sáng cùng ngày.
Theo UOB Việt Nam, NHNN đã tăng hai lãi suất chính sách thêm 100 điểm cơ bản (1 điểm %), nâng lãi suất tái cấp vốn từ mức thấp lịch sử 4,00% lên 5,00%.
Trong bối cảnh FED có lập trường sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá, VND sẽ mất giá thêm và tỷ lệ lạm phát gần mức mục tiêu của NHNN, tổ chức này cho rằng có khả năng NHNN sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản (1 điểm %) đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng 2 quý tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,50% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6,00% vào cuối quý 1/2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm 2020.
Trước đó, nhiều đơn vị phân tích cũng dự báo NHNN có thể tăng thêm lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá trong những tháng cuối năm.
Tại báo cáo mới phát hành, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, so với cuối năm 2021, giá USD tại Vietcombank đã tăng 4,7%, giá USD liên ngân hàng tăng 4,5%. Về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao. Trong khi đó, khả năng NHNN tiếp tục bán USD để can thiệp thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại tệ hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF.
Vì vậy, SSI Research không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong những tháng còn lại của năm 2022 nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Ông Trần Ngọc Báu – CEO WiGroup nhận định, không phải lạm phát, tỷ giá mới thực sự là ''nỗi đau đầu'' của NHNN.
Vị chuyên gia này cho rằng: Trong bối cảnh chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ liên tục phá đỉnh sẽ tiếp tục gây sức ép lên VND, tăng lãi suất đi kèm với tăng tỷ giá chào bán vẫn là biện pháp tình thế tốt nhất mà NHNN có thể triển khai. Vì lẽ đó, lãi suất vẫn sẽ tăng tiếp và mức độ tăng phụ thuộc khá nhiều vào lãi suất của Mỹ và sức mạnh đồng USD. Tuy nhiên, đà tăng không còn quá mạnh.
"Với những diễn biến thị trường tiền tệ, tỷ giá vẫn đang căng thẳng, dự trữ ngoại hối đã chạm ngưỡng cẩn trọng và FED vẫn có lộ trình tăng lãi suất thêm khoảng 1,25-1,5 điểm từ giờ đến cuối năm thì tôi cho rằng NHNN sẽ vẫn phải tiếp tục nâng các loại lãi suất điều hành thêm ít nhất một lần nữa vào quý 4 này", ông Báu nhận định.
Đánh giá về lãi suất điều hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết việc nâng lãi suất 100 điểm cơ bản có thể là coi hành động mang tính phòng thủ cao, bước tăng này cũng cao hơn và sớm hơn kỳ vọng.
Theo VDSC, hiện tại, mặt bằng lãi suất điều hành của NHNN đã trở về bằng thời điểm đại dịch mới diễn ra là tháng 3/2020. Nhóm phân tích cho rằng mức lãi suất như vậy khá an toàn với diễn biến lạm phát tại Việt Nam, hiện lạm phát bình quân kỳ vọng cho cả năm 2022 và 2023 lần lượt là 4,0 và 4,5%. Mức lãi suất điều hành hiện tại cũng để phòng thủ cho khả năng FED nâng lãi suất lên 4,5-4,75% trong năm 2022.
Nếu bám sát vào kịch bản FED tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023 thì VDSC dự báo lãi suất điều hành có thể tăng thêm từ 50-100 điểm cơ bản trong năm sau, về lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, biến số ở đây là rủi ro rơi vào suy thoái của nền kinh tế Mỹ và tốc độ phục hồi của Việt Nam có thể chậm lại đáng kể từ quý 4/2022, các biến số này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nâng lãi suất của FED và cả NHNN trong thời gian tới.
Tại họp báo do NHNN tổ chức vào sáng 23/9, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: "Trước sự phá giá của đồng tiền các nước như trên, nếu để mất giá quá mạnh thì sẽ dẫn đến lạm phát nhập khẩu gia tăng rất lớn. Đây là cuộc chiến tiền tệ giữ cho đồng tiền không bị mất giá quá nhiều, giảm thiểu tác động của lạm phát toàn cầu tới nền kinh tế".
Trước bối cảnh đó, để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN đã quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành từ 23/9.
Theo ông Quang, ổn định lãi suất không có nghĩa là cố định đồng tiền, nếu để lãi suất thấp quá lâu sẽ gây nên áp lực tỷ giá và những bất ổn kinh tế vĩ mô khác. Do đó, NHNN cần phải điều chỉnh lãi suất để đối phó với cú sốc từ bên ngoài, cũng như neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà NHNN, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này cũng giúp ổn định lại tâm lý thị trường.
Trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước.