Sẽ cấm tổ chức tín dụng cho vay để trả tiền cọc nhà hình thành trong tương lai?
Ngân hàng Nhà nước dự kiến tổ chức tín dụng không được phép cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi thông tư 39 năm 2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Trong văn bản này, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền đặt cọc cho các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện thực hiện như chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Ngân hàng Nhà nước lý giải rằng tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, hầu hết các dự án bất động sản sẽ chuyển nhượng chưa đủ điều kiện như chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Sau khi tổ chức tín dụng cấp tín dụng, khách hàng và chủ đầu tư hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn khó khăn, tiềm ẩn rủi ro.
Không chỉ vậy, tổ chức tín dụng còn không được cho vay góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đánh giá phương án khả thi và khả năng trả nợ của khách hàng là rất khó. Do hiệu quả của phương án được xác định bởi khoản lợi tức cố định do bên nhận góp vốn cam kết trả cho khách hàng, không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của bên nhận góp vốn.
Đồng thời, nguồn trả nợ của khách hàng được thẩm định phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của bên nhận góp vốn. Việc xác định vốn vay được sử dụng đúng mục đích được thực hiện thông qua việc kiểm soát tiền được chuyển cho bên nhận góp vốn.
Tuy nhiên, sau khi giải ngân vào tài khoản của bên nhận góp vốn, một số trường hợp tổ chức tín dụng không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp.
Ngoài các nội dung nêu trên, trong dự thảo, Ngân hàng Nhà nước còn liệt kê 7 nhu cầu vay vốn mà tổ chức tín dụng không được phép cho vay trong thời gian tới gồm để trả nợ khoản vay, mua vàng miếng, kinh doanh ngành nghề cấm, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề cấm…
Đại biểu Lê Thanh Vân nói siết chặt tín dụng đối với thị trường bất động sản khiến người nghèo khó mua nhà rẻ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh việc cho vay là của ngân hàng và khách hàng, nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống.