SCO thu hút sự quan tâm chưa từng thấy tại Trung Đông

Chia sẻ Facebook
18/09/2022 15:20:01

Một trong những kết quả nổi bật của Hội nghị thượng đỉnh SCO lần này là kết nạp thêm thành viên mới và các quan sát viên mới từ Trung Đông và châu Phi.


Trong lịch sử 21 năm kể từ khi ra đời đến nay, chưa bao giờ các hoạt động trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lại thu hút sự quan tâm của thế giới như Hội nghị Thượng đỉnh vừa bế mạc hôm qua với Tuyên bố chung Samarkand.

SCO lần này đã thu hút sự quan tâm chưa từng thấy trước đây tại Trung Đông. Thực tế không chỉ có Iran tiến rất gần tới trở thành thành viên đầy đủ của SCO là đáng chú ý, các nước Vùng Vịnh giàu dầu mỏ như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kuwait, Bahrain lần này cũng tham gia, đã trở thành đối tác đối thoại của SCO. Saudi Arabia, Qatar hay Ai Cập cũng ký biên bản ghi nhớ trở thành đối tác đối thoại trong tương lai.

Đáng lưu ý, đây cũng là một trong những cơ chế hợp tác chính trị khu vực ít ỏi mà chứng kiến sự tham gia của cả Iran và Saudi Arabia, vốn đang có những chính sách đối lập đến đối đầu tại Trung Đông.

Một trong những điểm đáng chú ý của Tuyên bố chung Samarkand là đảm bảo an ninh năng lượng quốc tế. Trong khi một số quốc gia thành viên và quan sát viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn.

Từ góc độ năng lượng thì có thể SCO giờ đây tập hợp những thành viên chủ chốt nhất của OPEC+, lại thêm cả những khách hàng hàng đầu thế giới của OPEC+. Nói cách khác, SCO giờ đây không chỉ bao gồm cả những quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ mà đã vươn ảnh hưởng tới các quốc gia cung cấp năng lượng hàng đầu thế giới, không chỉ Nga mà giờ có Iran, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kuwait, Saudi Arabia hay Qatar cũng đã hoặc hướng tới trở thành đối tác đối thoại.

Trong Tuyên bố Samarkand vừa rồi đã nhấn mạnh rằng thế giới đang bước vào một giai đoạn với những biến đổi trên quy mô lớn, trong đó xu thế đa cực ngày càng mạnh mẽ hơn đòi hỏi phải tăng tính liên kết với nhau. Và thực tế năng lượng được cho chính là động lực mới đã kéo các nước lại với nhau hơn tại SCO. Như Ấn Độ chẳng hạn, lần này đã tham dự SCO với một mối quan tâm lớn hơn hẳn trước đây, khi Ấn Độ từ chỗ nhập khẩu rất ít dầu của Nga, khoảng 20 nghìn thùng/ngày, nay đã nhập gần gấp 40 lần con số ấy.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Dushanbe của Tajikistan ngày 11/9.

Chia sẻ Facebook