SCMP: Các nhà phân tích nói về khả năng Việt Nam trở thành "công xưởng của thế giới"
Xuất khẩu của Việt Nam đã có những tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây và việc này đã gây ra một số lo ngại ở Trung Quốc - SCMP cho hay.
Các ngành chuyển hướng
Theo các nhà phân tích, việc Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc để trở thành cường quốc sản xuất mới sẽ vấp phải nhiều rào cản, mặc dù việc phong tỏa để hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt ở Trung Quốc đang khiến nhiều đơn hàng chuyển dần sang khu vực Đông Nam Á.
Nhiều bài viết gây tranh cãi đã xuất hiện ở Trung Quốc sau khi khi xuất khẩu trong quý đầu tiên của Việt Nam đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm trước, theo Bộ Công Thương Việt Nam.
Theo đó, giá trị xuất khẩu quý I của Việt Nam đã vượt con số xuất khẩu từ trung tâm sản xuất của Trung Quốc là Thâm Quyến trong cùng giai đoạn.
SCMP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, các ngành công nghiệp sẽ có xu hướng tập trung ở Đông Nam Á để tận dụng lợi thế của chi phí sản xuất thấp, trong khi chuỗi công nghiệp của Trung Quốc sẽ vẫn quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu.
Yao Yang, nhà kinh tế và giáo sư của Trường Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: "Không có gì phải lo lắng về việc các ngành sản xuất ở Trung Quốc đang chuyển hướng sang Đông Nam Á".
Ông Yao đánh giá thêm, dù cho có những lo ngại về khả năng sản xuất ngày càng tăng của Việt Nam, Trung Quốc vẫn sẽ giữ danh hiệu "công xưởng của thế giới" trong ít nhất 30 năm nữa.
Theo chuyên gia này, việc chuyển dịch một số các sản phẩm cho khu vực Đông Nam Á sẽ cho phép người tiêu dùng hưởng lợi từ hàng hóa rẻ hơn, trong khi các ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ có cơ hội để nâng cấp sản xuất các loại mặt hàng khác.
Xuất khẩu tăng vọt của Việt Nam cũng là điều dễ hiểu vì hoạt động gia công công nghiệp tại đây đã được tăng cường trong một số năm qua - chuyên gia này nhận định,
Trong 3 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Vào tháng 3, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 45,5% so với tháng trước và 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục 34,06 tỷ USD, hơn 10 tỷ USD so với Thâm Quyến.
Đổi mới chuỗi sản xuất
Tang Jie, giáo sư kinh tế và là cựu phó thị trưởng Thâm Quyến, cho biết các ngành công nghiệp sẽ chuyển sang Đông Nam Á khi khoảng cách phát triển kinh tế ngày càng lớn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Ngoài Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ cũng sẽ là những điểm đến mới do có nguồn lao động dồi dào, ông nói.
"Trung Quốc vẫn phải thận trọng khi xuất khẩu của Việt Nam vượt qua Thâm Quyến. Vấn đề thực sự mà Trung Quốc phải giải quyết là nâng cấp các dây chuyền trong ngành sản xuất",
"Trung Quốc không thể chỉ kêu gọi các công ty 'đừng rời đi', thay vào đó cần tạo ra một môi trường tốt hơn để tạo điều kiện cho các công ty phát triển chuỗi giá trị."
Theo một báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc công bố hồi đầu tháng, trong bối cảnh toàn cầu đang tăng cường tái thiết chuỗi cung ứng, nước này đang có những lợi thế bao gồm thị trường rộng lớn, sự đổi mới ngày càng gia tăng cũng như hiệu quả tổng thể cao.
Báo cáo nói thêm rằng vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khu vực ngày càng trở nên quan trọng, vì nước này là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước châu Á.
Việc Trung Quốc lo sợ đánh mất danh hiệu "công xưởng của thế giới" xuất hiện trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng trở nên phức tạp do các xung đột địa chính trị, chẳng hạn như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và xung đột vũ lực, khiến các nước phải đánh giá lại những rủi ro do sự lệ thuộc quá mức của chuỗi cung ứng và sự phụ thuộc lẫn nhau.
Việc ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) đã làm dấy lên những lo ngại mới rằng Mỹ sẽ khuyến khích các ngành công nghiệp chuyển sang Đông Nam Á.
Theo báo cáo của Economics Times, do thị trường toàn cầu bị thu hẹp và nhu cầu sụt giảm liên tiếp, lợi nhuận của ngành dệt may của Trung Quốc đã bị suy thoái nghiêm trọng trong suốt thời kỳ đại dịch và sẽ tiếp tục chịu thiệt hại do giá nguyên liệu thô tăng. Trong khi đó, theo Nikkei Asia, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 22 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 23% so với một năm trước đó.
Theo Tất Đạt
Tổ Quốc