Say rượu lái xe: Ngoài xử lý hình sự có thể tịch thu phương tiện?

Chia sẻ Facebook
05/06/2022 15:01:15

Lái xe khi say có thể bị xử lý hình sự, ngay cả khi chưa gây tai nạn. Vì sao chưa phạt nghiêm? Xử phạt đi dọn rác cùng với phạt tiền và tước quyền lái xe hoặc tịch thu phương tiện của ma men lái xe được không?

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn tài xế trên tuyến xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Tuổi Trẻ trích các ý kiến bạn đọc, chuyên gia xung quanh việc này, sau vụ tài xế có nồng độ cồn gây tai nạn làm chết 3 người tại Bắc Giang đêm 2-6.


- Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội):


Chưa gây tai nạn vẫn có thể xử lý hình sự

Đã có chế tài hình sự lẫn hành chính đối với hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông. Trong đó, về chế tài hành chính đã nâng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn lên mức rất cao, lên tới 30 - 40 triệu đồng và tước bằng lái xe có thể tới 22 - 24 tháng.

Điều 260 Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có quy định phạt tù đối với lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông. Khoản 4 điều này đã có quy định xử lý hình sự đối với người uống rượu bia tham gia giao thông ngay cả khi chưa gây hậu quả nhưng có khả năng thực tế gây hậu quả.

Ví dụ một tài xế taxi chở hai hành khách trong tình trạng say rượu đã điều khiển xe quá tốc độ. Biết tài xế này chạy quá tốc độ, một xe tải đã vượt lên, ép taxi dừng lại. Trường hợp này tài xế taxi chưa gây ra hậu quả đáng tiếc nhưng có thể bị khởi tố theo điều 260 do vi phạm quy định khi tham gia giao thông, có thể gây tai nạn làm chết hai hành khách khi chạy tốc độ cao.

Đây là ví dụ. Còn để hiểu được thế nào là khả năng thực tế gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần có văn bản hướng dẫn để các cơ quan áp dụng pháp luật được dễ dàng thống nhất.


- Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):


Đề xuất tịch thu phương tiện

Tại một số nước, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao có thể bị xử lý hình sự ngay dù chưa cần gây hậu quả. Vi phạm nồng độ cồn cũng có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích.

Trong điều kiện của Việt Nam hoàn toàn có thể sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính để bổ sung các chế tài này.

Hiện nay, chúng ta đang chủ yếu phạt tiền nhưng có trường hợp lái xe máy sau khi uống rượu bị phạt 4 - 5 triệu, xe cũ giá trị có 2 - 3 triệu nên họ bỏ xe luôn. Nếu cưỡng chế họ nộp phạt thì tốn kinh phí lớn lại rất phức tạp về mặt xã hội. Rồi có những người đủ điều kiện kinh tế, thậm chí gây tai nạn chết người xong họ có thể "chồng tiền" để xử lý êm...

Tôi cho rằng có thể nghiên cứu chế tài tịch thu phương tiện gây tai nạn giao thông hoặc người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, có khả năng uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông, an toàn xã hội.

Về việc tước bằng lái, ở các quốc gia thường quy định với lái xe kinh doanh vận tải, nếu vi phạm nặng hoặc tái phạm thì không cho anh lái xe vận tải nữa mà chỉ được lái xe cá nhân phục vụ mình và gia đình.

Chúng ta có thể xem xét sửa đổi theo hướng như vậy. Nhưng điều quan trọng nhất là cần thực thi nghiêm pháp luật hiện có.


- Ông Bùi Văn Xuyền (nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội):


Phải xử phạt kịch khung

Vụ tai nạn ở Bắc Giang do tài xế vi phạm nồng độ cồn gây ra khiến 3 người tử vong là đặc biệt nghiêm trọng và cần xử lý hình sự nghiêm minh để tạo sự răn đe.

Luật hình sự đã quy định các mức cấu thành tội phạm hình sự đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông, cụ thể, vi phạm là bao nhiêu, mức độ, hậu quả. Do đó, chúng ta cần căn cứ quy định của pháp luật hình sự để xem xét xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm.

Không phải cứ vi phạm nồng độ cồn là đều xử lý hình sự. Tuy nhiên, trong quá trình tổng kết, đánh giá thực tiễn cho thấy cần xử lý nặng hơn để đảm bảo tính nghiêm minh. Để răn đe thì có thể tính toán, xem xét để sửa đổi luật cho phù hợp.

Về việc xử phạt lao động công ích đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trước đây khi sửa Luật xử lý vi phạm hành chính cũng đã có quan điểm đề nghị đưa hình phạt này vào để tạo tính răn đe cao hơn, tuy nhiên tính khả thi chưa cao. Ai quản lý người vi phạm, ai tổ chức phạt, tổ chức ở đâu... thì không đơn giản. Do vậy chưa được đưa vào luật.

Hiện nay các quy định xử lý về hành chính đã được điều chỉnh. Cơ quan chức năng cần xem xét xử lý nghiêm khắc ở mức tối đa với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không xử nhẹ, xử dưới khung.


- TS Trần Hữu Minh (chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):


Chia nhỏ mức vi phạm

Bộ luật hình sự đã quy định các hành vi nguy hiểm như sử dụng rượu bia và trong máu hoặc hơi thở có nồng độ vượt quá mức quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể. Người uống 4 cốc bia không thể cùng mức phạt như người uống 40 cốc bia. Cần chia nhỏ mức vi phạm hơn để có mức phạt thích ứng.


- Ông Vũ Ngọc Lăng (nguyên vụ trưởng Vụ An toàn giao thông - Tổng cục Đường bộ):


Đề xuất cho người vi phạm đi dọn rác

Mức xử phạt hành chính của nước ta với các hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã khá nặng. Nếu làm nghiêm minh sẽ tạo ra sự răn đe rất lớn.

Có thể xem xét sửa luật, bắt buộc những người vi phạm nồng độ cồn dù chưa gây tai nạn phải đi lao động công ích như dọn dẹp ở các nơi công cộng. Có thể giao cho cơ quan công an, chính quyền địa phương giám sát. Cùng với việc xử phạt bằng tiền, tước bằng lái xe, việc này sẽ ngăn tái phạm.

Sau khi lái xe Audi tông chết 3 người, tài xế Nguyễn Đức Thịnh (Bắc Giang) trình diện, làm việc với cơ quan chức năng - Ảnh: CTV


- Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Tại khoản 4 điều 260 Bộ luật hình sự năm 2017 quy định về vi phạm tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.


Sự bê tha và tội ác

Bạn đã từng nhìn thấy ai đó lảo đảo chân nam đá chân chiêu rời bàn nhậu và tự lái xe ra về? Chuyện này có lạ gì đâu, nông thôn thành thị đều có! Dân nhậu cóc ổi với rượu đế có và những người đã ngà ngà say rượu tây ở nhà hàng đi ôtô sang trọng cũng có.


Tôi ủng hộ cả hai tay chuyện cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn những người đi xe vừa rời nhà hàng đám tiệc có rượu bia. Nghĩ một cách tích cực, đây là cách ngăn hậu họa có thể xảy đến bất ngờ cho người say và bất cứ ai đó trên đường. Ra hàng quán hay đến nhà người khác uống đến say quắc cần câu và lè nhè đòi về, với tôi, đó là hình ảnh bê tha. Say rượu lái xe tông chết người là tội ác rất khó thông cảm.

Và câu chuyện mới đây tại Bắc Giang là một điển hình. Dư luận càng giận hơn khi người gây tai nạn là cán bộ, công chức và lái ôtô với nồng độ cồn ở mức cao. Nghị định 100/2019 tăng mức phạt vi phạm nồng độ cồn được người dân hoan nghênh.

Nhiều người đã thay đổi, không lái xe khi có hơi men. Nhưng rồi sau dịch, khắp nơi bung xõa. Những người trước đây chọn taxi, xe ôm về nhà sau cuộc nhậu nay cũng trở lại thói quen nhậu rồi vẫn thản nhiên cầm lái.

Những cái chết thương tâm chưa đủ sức cảnh tỉnh những tay lái say men. Ai cũng có lý do này khác để biện minh cho việc đã uống rồi vẫn cố lái xe. Có một lý do chung cho tất cả ma men lái xe là việc coi thường pháp luật và sự liều mạng mình, coi rẻ mạng người khác.

Mong lực lượng chức năng tăng cường phạt nặng những ma men lái xe coi thường pháp luật này để xã hội giảm nỗi lo và sống văn minh hơn.


Bạn đọc PHƯƠNG NGA

Sau khi lái xe Audi tông chết 3 người, tài xế Nguyễn Đức Thịnh nói hối hận về hành vi của mình và mong mọi người từ vụ việc này, hãy làm chủ tay lái và không sử dụng rượu bia khi lái xe.

Chia sẻ Facebook