“Sâu xa” câu chuyện tài khóa
Có một vấn đề chúng ta đã nói từ rất lâu có liên quan đến bất ổn thị trường bất động sản, tài chính… có nguồn gốc rất “sâu xa” với câu chuyện tài khóa.
“Sâu xa” câu chuyện tài khóa
Để đánh giá về dự địa chính sách tài khoá hiện nay, theo tôi có một số vấn đề chúng ta cần lưu ý.
Thứ nhất, từ nhiều năm nay chính sách tài khoá của Việt Nam, đặc biệt là nguồn thu của địa phương là phụ thuộc đất đai. Do đó, họ thường xuyên phải thực hiện việc đấu giá đất. Nếu xét ở khía cạnh tài chính, khi đất tăng thì địa phương được lợi.
Thứ hai, công cụ để kiềm chế hay điều chỉnh sự thay đổi về thị trường đã có từ rất lâu, đó là thuế nhưng chúng ta không làm. Đơn cử, dự án về luật thuế đánh vào thuế tài sản đã được khởi động từ năm 2004, thời điểm đó Bộ Tài chính nghiên cứu. Đến năm 2009-2010 bắt đầu “khởi động” lại.
Sau đó đến năm 2018-20219 lại tiếp tục “khởi động lại”. Và cho đến bây giờ cũng vẫn “chưa thấy đâu”. Đây là công cụ rất quan trọng với tất cả các nước để kiểm soát những bất ổn trong thị trường bất động sản.
Nếu không trung bình 10 năm/lần Việt Nam sẽ lại chịu ảnh hưởng bởi sự bất ổn về thị trường bất động sản giống như hiện nay. Tại sao như vậy? Gốc của vấn đề là chúng ta sau thời kỳ tích luỹ, có tiền thì lại đầu tư để giữ tiền. Việc này đã gây ra những bất ổn cho thị trường bất động sản.
Nếu giải quyết thị trường bất động sản và thị trường tài chính bằng các biện pháp đơn giản, như chính sách tiền tệ thì theo quan điểm của cá nhân tôi chưa đủ. Tôi cho rằng, chính sách tài khóa mới là rất quan trọng.
Ở khía cạnh khác, điều lo lắng lớn nhất lúc này là nếu điều tiết thị trường bất động sản quá mức thì các địa phương lại có vẻ hơi “căng thẳng”, vì bị ảnh hưởng đến thu ngân sách. Trong khi, nguồn thu ngân sách từ đất đai là nguồn thu rất lớn cho các địa phương.
Do đó, cần có sự chú ý và về dài hạn, tôi cho rằng chúng ta cần sử dụng chính sách thuế. Còn vẫn tiếp tục như hiện nay thì tôi “dự đoán” đến khoảng 10 năm nữa chúng ta lại ngồi bàn về việc có nên điều tiết thị trường bất động sản hay không. Vì kiểu gì cũng sẽ có giai đoạn tích lũy sau đó là “bùng phát”.
PGS.TS VŨ SỸ CƯỜNG - Học viện Tài chính
Diễn Đàn Doanh Nghiệp