Sau vụ Tân Việt Phát, Bộ Công an điều tra thêm 8 dự án
Để làm rõ các sai phạm liên quan đến cán bộ nguyên là lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, sau vụ Tân Việt Phát, Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra 8 dự án còn lại theo quy định.
Theo cáo trạng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với 8 dự án khác ở tỉnh Bình Thuận sau vụ giao 3 lô đất trái quy định.
Các dự án Bộ Công an điều tra bao gồm: Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (sân golf Phan Thiết); Dự án lấn biển phường Đức Long (Hamubay); Dự án Biển Quê Hương; Dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn; Dự án rừng dầu Hồng Liêm; Dự án Bồng Lai Tiên Cảnh và dự án du lịch sinh thái Xuân Quỳnh; Dự án Khu liên hợp hồ điều hòa Hưng Long; Dự án Khu du lịch Hòn Lan.
Dự án khu du lịch Xuân Quỳnh, khu du lịch Quốc gia Mũi Né, Tp.Phan Thiết đã được Bộ Công an kiểm tra.
Trước đó, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai và 11 bị can trong vụ án sai phạm giao đất tại dự án Tân Việt Phát 2 (Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Theo cáo trạng, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Thuận tổ chức đấu giá quyền sử dụng 92.600,9m² ( 3 lô đất số 18, 19 và 20) thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B, phường Phú Hài, Tp.Phan Thiết thực hiện dự án nhà ở thương mại (dự án Tân Việt Phát 2).
Từ ngày 25/10/2013 đến 26/11/2015, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Thuận thông báo 6 lần đấu giá quyền sử dụng đất 92.600,9m² với giá khởi điểm là 111.121.080.000 đồng (tương ứng là 1.200.000 đồng/m²) nhưng không có tổ chức, cá nhân nào đăng ký mua hồ sơ đấu giá.
Đến đầu năm 2016, giá đất tại Bình Thuận có biển động tăng, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh thời điểm đó ký ban hành quyết định điều chỉnh giá đất, trong đó có khu vực 3 lô 18, 19 và 20 là 1,6 triệu đồng/m².
Tháng 3/2017, UBND tỉnh Bình Thuận giao và cho thuê 3 lô đất trên cho Công ty cổ phần Tân Việt Phát nhưng áp mức giá đất năm 2013, gây thiệt hại cho nhà nước 45,4 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai và 11 bị can ra trước Toà án nhân dân Tp. Hà Nội để xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gồm: Lương Văn Hải (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận); Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Thuận);
Ngô Hiếu Toàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận); Đặng Hoài Nhân (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận); Nguyễn Thanh Cho, Lê Nam Hưng (nguyên Chi cục trưởng và Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Bình Thuận); Phạm Duy Cường (nguyên Phó trưởng phòng Kinh tế đất, thuộc Chi cục Quản lý đất đai Bình Thuận); Lê Anh Huy (nguyên Trưởng phòng Kinh tế đất thuộc Chi cục Quản lý đất đai Bình Thuận) và Nguyễn Thị Thu Phong (nguyên Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Thuận).
Đối với bị can Nguyễn Văn Phong, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3, Điiều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Dự án Hamubay có tổng điện tích đất hơn 1.290.000m2, thuộc phường Đức Long, xã Tiến Lợi và xã Tiến Thành, Tp.Phan Thiết do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư được Bộ Công an kiểm tra trước đó.
Dự án rừng dầu Hồng Liêm có quy mô hơn 3.200 héc ta do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư đã bị Bộ Công an kiểm tra trước đó.
Quá trình điều tra một số bị can đã tự nguyện tác động người thân nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan cảnh sát vợ bị can Nguyễn Ngọc Hai (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) khắc phục 300.000.000 đồng. Vợ bị can Lương Văn Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) khắc phục 500.000.000 đồng.
Tiếp đó là gia đình bị can Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận) khắc phục 100 triệu đồng và đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Gia đình bị can Hồ Lâm (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận) nộp khắc phục 100 triệu đồng và gia đình bị can Đặng Hoài Nhân (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Thuận) nộp khắc phục 100 triệu đồng.