Sau vụ Chủ tịch huyện bị lừa hơn 100 tỷ đồng, làm sao để ngăn tội phạm thẻ?
Theo thống kê không chính thức, 80% vụ lừa đảo hiện nay là do tội phạm thao túng để chủ thẻ tự thực hiện giao dịch.
Dư âm của việc khách hàng mất 26 tỷ đồng sau ba ngày mở tài khoản kiện hai ngân hàng ra tòa chưa lắng xuống thì chiều 22/3 lại xuất hiện một tin tức gây rúng động khác: Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị lừa đảo hơn 100 tỷ đồng. Một nguồn tin xác nhận, số tiền nhóm lừa đảo công nghệ cao rút từ tài khoản bà Giang Hương khoảng 170 tỷ đồng, theo Dân Trí .
Đáng chú ý, hai vụ việc trên đều có điểm tương đồng trong phương thức lừa đảo, đó là các đối tượng này đã "thao túng tâm lý" khách hàng để từ đó yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân với lý do "hướng dẫn" khai báo, giải quyết. Sau đó, những đối tượng này yêu cầu khách hàng mở tài khoản ngân hàng và nộp vào hàng chục tỷ đồng mỗi tài khoản và bị những đối tượng này rút sạch tiền.
Việc liên tục xuất hiện những vụ lừa đảo theo cùng một phương thức với số tiền lên đến hàng chục tỷ cho thấy sau một thời gian chạy đua phát triển thẻ, tài khoản theo chiều rộng thì hiện nay việc bảo mật thông tin khách hàng cũng như trang bị kiến thức để khách hàng tự bảo vệ mình đang là thách thức rất lớn với các ngân hàng.
Nhất là trong bối cảnh chiêu thức lừa đảo của tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi.
Thời gian qua, các ngân hàng liên tục gửi email và tin nhắn cảnh báo về các hành vi của các đối tượng lừa đảo nhưng liệu như vậy có đủ để giúp khách hàng không bị sập bẫy tội phạm công nghệ?
Ảnh minh họa.
Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành, ở nước ngoài các quy trình đều rất rõ ràng. Khi cung cấp dịch vụ, bên cung cấp phải đảm bảo khách hàng hiểu tất cả các điều khoản trong hợp đồng.
Quyền của khách hàng được giải thích một cách đầy đủ tất cả những điều khoản, đặc biệt những điều khoản gây bất lợi cho mình. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng thừa nhận ở thị trường Việt Nam không chỉ ngân hàng mà nhiều ngành khác chưa thực hiện được điều này.
Thông thường bên cung cấp dịch vụ sẽ đưa ra bản hợp đồng mẫu và yêu cầu người dân đọc và ký.
Trong các hợp đồng này luôn kèm câu "tôi đã đọc hiểu đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng", nhưng trên thực tế lại không phải như vậy. Vì thế, khi các vụ lừa đảo xảy ra, nhiều khách hàng đã đổ lỗi cho ngân hàng không tư vấn kỹ, trong khi ngân hàng lại nói đã làm hết trách nhiệm.
Do vậy để phòng chống tội phạm thẻ cần kết hợp nhiều biện pháp. Song song với việc trang bị kiến thức cho người dùng để họ tự bảo vệ mình cũng cần có chính sách điều tiết.
Tới đây khi quyết định 2345 có hiệu lực từ ngày 1/7, các ngân hàng phải phân loại giao dịch để áp dụng các biện pháp xác thực khác nhau như bằng tin nhắn SMS, OTP hay bằng sinh trắc học, chữ ký điện tử an toàn...
Các ngân hàng cũng sẽ phải xác thực tài khoản để đảm bảo tài khoản và người dùng là một. Khi đã hoàn thành việc xác thực tài khoản thì tình trạng lừa đảo sẽ giảm rõ rệt.
Tất nhiên, khi tiến hành các biện pháp này ban đầu sẽ có một số bất tiện cho người dùng và làm giảm số tài khoản, thẻ của ngân hàng.
Tuy nhiên, đó là sự điều tiết cần thiết nhằm hướng đến thị trường lành mạnh và giảm bớt những vụ tranh chấp kiện tụng giữa khách hàng và ngân hàng như đã diễn ra thời gian qua.
Trước đó, chiều 22/3, một nguồn tin riêng của VietNamNet cho biết, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) Nguyễn Thị Giang Hương đã bị nhóm lừa đảo công nghệ cao, đăng nhập vào tài khoản ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt số tiền khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Vụ việc của Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch đang được Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, làm rõ.
Khánh Linh (t/h)