Sau tuyên bố của bầu Đức, HAG thực sự còn nắm bao nhiêu vốn tại Bapi HAGL?
Sau khi tăng vốn lên gấp đôi, cơ cấu cổ đông của CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai (Bapi HAGL) có nhiều sự thay đổi quan trọng. Cổ đông lớn nhất là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) không còn nắm quyền chi phối Công ty.
Sau tuyên bố của bầu Đức, HAG thực sự còn nắm bao nhiêu vốn tại Bapi HAGL?
Sau khi tăng vốn lên gấp đôi, cơ cấu cổ đông của CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai (Bapi HAGL) có nhiều sự thay đổi quan trọng. Cổ đông lớn nhất là CTCP Hoàng Anh Gia Lai ( HOSE : HAG ) không còn nắm quyền chi phối Công ty.
Cụ thể, trong thời gian 16/01 - 15/02/2023, Bapi HAGL đăng ký tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng, lên 100 tỷ đồng.
Trước đó, HĐQT HAG đã thông qua việc mua thêm 650,000 cp trong đợt phát hành tăng vốn của Bapi HAGL, tương ứng 13% trong số 5 triệu cp phát hành. Sau hoàn tất tăng vốn, HAG nắm giữ tổng cộng 3.4 triệu cp tại Bapi HAGL, tỷ lệ sở giảm từ 55% xuống còn 34%.
Được biết tại thời điểm mới thành lập vào tháng 5/2022, Bapi HAGL còn có 1 cổ đông cá nhân khác là bà Hoàng Thị Kim Nhung (thường trú tại Hà Nội), tuy nhiên sau lần tăng vốn thì tên bà Nhung không còn xuất hiện trong danh sách cổ đông sáng lập. |
Một cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Thương mại Dược Phẩm Đông Á cũng mua thêm 1.1 triệu cổ phiếu của Bapi HAGL, nâng tổng số cổ phiếu mà Công ty đang nắm giữ lên 3.1 triệu cp, ứng với tỷ lệ 31%. Trong khi đó, cổ đông sáng lập cá nhân - bà Lê Minh Nguyệt (thường trú tại Hà Nội) không tham gia mua cổ phần mới phát hành của Bapi HAGL mà thoái hết vốn tại đây.
Như vậy, nhóm cổ đông sáng lập chỉ còn nắm giữ 65% cổ phần Bapi HAGL. Đồng nghĩa có cổ đông mới tham gia vào Bapi HAGL và nắm giữ 35% vốn.
Sở hữu của cổ đông sáng lập sau tăng vốn
* Theo thông tin thay đổi đăng ký doanh nghiệp ngày 16/01/2023
Ngày 13/02, Bapi HAGL cũng thay đổi thông tin về lãnh đạo và người đại diện Công ty. Theo đó, ông Đỗ Xuân Diện (sinh năm 1964) trở thành Chủ tịch HĐQT, ông Đinh Văn Lộc (sinh năm 1971) - trước đó là Tổng giám đốc, giữ chức vụ Giám đốc Công ty.
Theo tìm hiểu của người viết, ông Đỗ Xuân Diện từng được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai ( HOSE : HNG ) vào tháng 04/2019, đến ngày 08/01/2021 ông thôi giữ chức vụ trên.
Cũng trong năm 2019, ông Đỗ Xuân Diện đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp (THADI) - Công ty con của THACO thành lập vào ngày 18/03/2019.
Bên cạnh đó, ông Diện là cổ đông sáng lập góp 50% vốn vào CTCP Giấy Đức Phú (thành lập tháng 08/2021; trụ sở tại quận 10, TPHCM; ngành nghề kinh doanh chính là bột giấy, giấy và bìa). Tại đây, CTCP Thương mại Đầu tư Phát triển Do Holdings (Công ty do ông Diện làm Chủ tịch HĐQT) cũng góp 10% cổ phần sáng lập. Hiện ông Diện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Giấy Đức Phú, đồng thời vốn điều lệ Công ty được tăng từ 1 tỷ lên 100 tỷ đồng. Giấy Đức Phú là doanh nghiệp đứng ra nhập và phân phối sản phẩm bò đặc sản Lamon trong chuỗi thương hiệu của Bapi HAGL.
Ông Diện cũng từng là Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Bên cạnh HAG , Bapi HAGL có một cổ đông sáng lập tổ chức khác là CTCP TNHH Thương mại Dược Phẩm Đông Á. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thành phẩm nhập khẩu, thành lập vào năm 1996 tại miền Bắc. Công ty tiến vào thị trường miền Nam (TPHCM) và miền Trung (Đà Nẵng) các năm 2002 và 2005.
Sau lần thay đổi gần nhất 14/07/2022, số vốn điều lệ của Công ty tăng lên 135 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm trên, ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Bapi HAGL cũng là cổ đông lớn nắm số cổ phần chi phối trong Dược Phẩm Đông Á với tỷ lệ 57%.
Bapi HAGL được thành lập vào tháng 5/2022 sau khi HAG ra mắt thương hiệu heo ăn chuối. Hoạt động của Bapi HAGL trong hệ sinh thái là bán buôn thực phẩm, bao gồm các thương hiệu thịt của HAG .
Kha Nguyễn