Sau thi hành án vẫn không có lối đi

Chia sẻ Facebook
14/07/2022 10:29:46

Bản án của TAND tỉnh Tiền Giang tuyên buộc bà Cao Thị Bạch Loan phải mở lối đi từ đất của bà Trần Thị Lệ ra lối đi chung với chiều rộng 1,5m, dài 24,81m nhưng cơ quan thi hành án lại chỉ bàn giao được 22,1m chiều dài.

Sau khi thi hành án, bà Lệ vẫn chưa thể đi vào đất của mình - Ảnh: MẬU TRƯỜNG


Đều là mẹ con, chị em trong nhà nếu giải quyết được nội bộ thì vẫn tốt hơn. Bất đắc dĩ lắm tôi mới đưa vụ việc ra pháp luật, chứ thật lòng không ai muốn vậy.

Bà Trần Thị Lệ


Vụ việc này khiến người dân sau hơn 4 năm mòn mỏi chờ lối đi nay phải tiếp tục chờ. Vườn thanh long của khổ chủ phải bỏ hoang, ước tính thiệt hại lên cả tỉ đồng mỗi năm.


Con kiện mẹ vì bị bít lối đi

Theo bà Trần Thị Lệ, bà Cao Thị Bạch Loan (đã mất) là mẹ ruột của mình. Bà Lệ có diện tích đất vườn tại hai thửa đất số 492, 1433 (hiện đã đổi thành thửa 67) tại ấp Đăng Phong Trên, xã Đăng Phước, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Khu đất được cha mẹ chia cho các con từ năm 2004. Sau khi chia, tách thửa thì tất cả thửa đất đều sử dụng lối đi chung. Riêng đất của bà Lệ nằm trong cùng nên phải đi ngang đất của bà Loan.

Do mâu thuẫn trong gia đình, đến năm 2017 bà Loan rào lưới B40 chắn ngang lối đi này khiến bà Lệ không còn đường đi vào đất của mình để canh tác nên bà đã khởi kiện yêu cầu bà Loan mở lối đi. Người đại diện theo ủy quyền của bà Loan là bà Trần Thị Bạch Tuyết.

Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 21-9-2017 của TAND huyện Chợ Gạo tuyên xử buộc bà Loan phải mở lối đi cho bà Lệ với bề ngang 1,5m, chiều dài 24,81m; tuyên bà Lệ phải hoàn trả cho bà Loan số tiền 7.438.000 đồng.

Bà Loan không đồng ý và đã kháng cáo. Sau đó, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm này, tòa nhận định: "Qua xem xét thẩm định tại chỗ hướng đông đất của bà Loan và thửa đất của bà Lệ không có lối đi nào hiện hữu, hiện tại thửa đất bị vây bọc bởi các thửa đất liền kề và không có lối đi nên bà Lệ yêu cầu mở lối đi trên thửa đất số 36 của bà Loan là thuận tiện nhất, là lối đi duy nhất được bà Lệ đi từ trước đến nay...".

Sau khi thắng kiện, bà Lệ đã gửi đơn đề nghị thi hành án và được cơ quan thi hành án huyện Chợ Gạo tiếp nhận, ra quyết định thi hành án.


Bản án một đàng thi hành một nẻo, vì đâu?

Sau nhiều cuộc họp, gặp gỡ, giải quyết và gần 4 năm trời bà Lệ đi gõ cửa các cơ quan chức năng yêu cầu phải thi hành án thì đến ngày 6-1-2022 Chi cục Thi hành án huyện Chợ Gạo đã tổ chức bàn giao phần đất lối đi cho bà Lệ. Nhưng kết quả chỉ bàn giao được 22,1m chiều dài lối đi.

"So với bản án còn thiếu 2,71m chiều dài. Điều này vô tình khiến việc thi hành án có cũng như không, bởi sau khi thi hành án xong, tôi vẫn chưa thể đi vào trong phần đất của mình được. Hiện phía bà Trần Thị Bạch Tuyết đã xây một bức tường kiên cố chắn ngay trước lối vào đất vừa được bàn giao", bà Lệ trình bày.

Theo ghi nhận, từ ngoài đường đi công cộng hiện có một ngôi nhà xây cất ngay trên đường đi, được thiết kế cổng rào. Vừa đi xuyên qua ngôi nhà này, tiếp tục có một bức tường gạch xây chắn ngang lối đi vào đất của bà Lệ.

Bà Lệ cho biết căn nhà và bức tường này được xây sau khi bản án có hiệu lực, khiến bà Lệ không thể vượt qua được bức tường để vào trong phần đất của mình được. Vẫn theo bà Lệ, do không có đường vào đất nên vườn thanh long phía trong bị chết rụi, ước tính mỗi năm thất thu gần cả tỉ đồng.

Vì sao có chuyện thi hành án khác với bản án được tuyên? Một lãnh đạo Chi cục Thi hành án huyện Chợ Gạo cho biết việc thi hành án dựa vào văn bản hướng dẫn của tòa án.

Sau khi bản án sơ thẩm và phúc thẩm có hiệu lực, Chi cục Thi hành án huyện đã nhiều lần có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan giải thích thêm về bản án bởi trong bản án có hiệu lực thì chiều dài lối đi phải mở cho bà Lệ là 24,81m, tuy nhiên đo đạc thực tế thì chỉ có 22,1m. Có sự chênh lệch này là do ranh đất của bà Loan và bà Lệ có sự thay đổi. Cuối cùng, Chi cục Thi hành án đã thi hành, bàn giao lối đi cho bà Lệ với chiều dài chỉ 22,1m nên lối đi từ đất của bà Lệ vẫn chưa thể thông ra đường công cộng.

Trong khi đó, văn bản giải thích bản án và phúc đáp công văn của TAND huyện Chợ Gạo đều khẳng định phải mở lối đi có chiều dài 24,81m, bề ngang 1,5m theo đúng phần diện tích mà cơ quan chuyên môn là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chợ Gạo đo vẽ và cung cấp cho tòa án.

Vụ việc đã được tòa tuyên, trong văn bản giải thích bản án cũng không có thay đổi gì so với bản án đã tuyên, nhưng cơ quan thi hành án lại bàn giao thiếu đất, khiến khổ chủ ròng rã hơn 4 năm trời không có lối vào đất để canh tác.

Bà Trần Thị Lệ cho biết bà đã khởi kiện vụ án hành chính ra TAND huyện Chợ Gạo, yêu cầu Chi cục Thi hành án huyện Chợ Gạo thi hành đúng bản án và bồi thường thiệt hại.


* Luật sư Phạm Hoài Thu (Đoàn luật sư TP.HCM):


Phức tạp do thi hành án

Tôi nhận thấy đây là vụ việc rất bình thường, không phức tạp, nhưng cơ quan thi hành án lại để vụ việc kéo dài hơn 4 năm là không hợp lý. Việc chậm trễ thi hành án đã gây rất nhiều thiệt hại cho bà Trần Thị Lệ.

Còn việc gia đình bà Cao Thị Bạch Loan xây bức tường chắn lên vị trí đất lối đi phải thi hành án hoàn toàn là cố ý gây khó dễ cho việc thi hành án, lẽ ra cơ quan thi hành án phải tổ chức cưỡng chế nhưng đã không làm, dẫn đến diện tích đất bà Lệ đã đóng tiền bồi hoàn theo bản án bị hụt đi 2,7m chiều dài, 1,5m bề rộng.

Đồng thời, việc thi hành án dù thiếu diện tích nhưng không có bất cứ văn bản điều chỉnh nào của tòa án hay của cơ quan thi hành án nhằm trả lại tiền đã đóng cho bà Lệ.

Dù tòa tuyên người mẹ phải mở lối đi vào vườn thanh long cho con gái của mình nhưng đã hơn 3 năm trôi qua kể từ khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, vụ việc vẫn chưa có hồi kết.

Chia sẻ Facebook