Sầu riêng đang tạo nên 'cơn sốt' tại Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
30/08/2022 16:13:46

Nhu cầu đối với sầu riêng tăng cao khiến đây trở thành mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Trung Quốc, cả về số lượng lẫn giá trị.

Sự bùng nổ được thúc đẩy bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới, giúp Trung Quốc nhập khẩu trái cây tươi từ các quốc gia Đông Nam Á dễ dàng hơn trong khuôn khổ thương mại tự do lớn.

RCEP, có hiệu lực vào tháng 1, hiện là khối thương mại lớn nhất, chiếm 30% GDP thế giới. Trung Quốc cũng là thành viên của khối, cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand và một số quốc gia Đông Nam Á khác.

Thành phố Tây Song Bản Nạp thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc hiện là đầu mối tập trung sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á. Khu vực này lúc nào cũng đông đúc thương lái, khách du lịch cùng vô số các loại sầu riêng nhập khẩu ngon nức tiếng.

Một thương nhân chia sẻ với tờ Nikkei Asia rằng thị trường hiện tiêu thụ 1 tấn sầu riêng mỗi ngày trong mùa du lịch cao điểm. Dù chi phí đã giảm kể từ khi RCEP có hiệu lực, song giá mặt hàng này lại đang có dấu hiệu bật tăng do nhu cầu vượt ngưỡng.

Năm 2021, nhập khẩu sầu riêng tươi tăng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 821.600 tấn, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 82,4% lên 4,205 tỷ USD. Cả hai đều đứng đầu danh mục trái cây, theo thống kê của hải quan Trung Quốc. Hoạt động nhập khẩu tăng gần gấp 4 lần so với năm 2017 và xu hướng trên được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến mạnh mẽ trong năm nay.

"Người Trung Quốc tin rằng sầu riêng là một loại quả đặc biệt và cần ăn thường xuyên. Nhu cầu với sầu riêng rất có lợi cho chúng tôi. Chúng tôi vui khi những lái buôn Trung Quốc đến đặt đơn hàng ngay cả trước khi thu hoạch", Savarat Nangsangian – một nông dân 56 tuổi nói.

Trước đó, ngay cả trong giai đoạn đại dịch và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, những thương lái Trung Quốc vốn thường đi khắp các vùng Thái Lan để mua sầu riêng trực tiếp từ các trang trại vẫn tìm ra cách thức mới. Họ rục rịch mua số lượng lớn từ đầu năm, sau đó bay về nước trước khi Thái Lan công bố lệnh đóng cửa với các chuyến bay quốc tế.

"Những thương lái Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới rộng khắp và biết khi nào chúng tôi sẵn sàng thu hoạch quả. Năm 2020 là một vụ mùa thành công", một người nông dân tâm sự.

Hương vị và giá trị dinh dưỡng cao của sầu riêng hấp dẫn cả thị hiếu lẫn thị giác người Trung Quốc. Dù giá khá cao, rơi vào khoảng hơn 7 USD/miếng, song đây vẫn là loại quả được đặc biệt săn đón. Rất nhiều món ăn được chế biến từ sầu riêng, chẳng hạn như bánh sầu riêng, crepe sữa sầu riêng, pizza sầu riêng và lẩu sầu riêng. Tất cả đều nhận về những bình luận tích cực từ phía người tiêu dùng trên mạng xã hội.

Trước nhu cầu ngày càng tăng, các nước trồng sầu riêng gấp rút mở rộng hoạt động xuất khẩu. Sản lượng sầu riêng Thái Lan rơi vào khoảng 1,29 triệu tấn vào năm 2021, tăng khoảng 30% so với năm 2019.

"Nhập khẩu của Trung Quốc hiện đã rất cao rồi, song dự kiến, tiêu thụ bình quân đầu người ở đây sẽ tăng hơn nữa. Nông dân Thái Lan vì thế có động lực để mở rộng sản xuất", đại diện Đại sứ quán Thái Lan tại Trung Quốc cho biết.

Bánh sầu riêng đã trở thành món ăn phổ biến trong thực đơn tại các nhà hàng cao cấp Trung Quốc.

Ngoài ra, người Trung Quốc còn đặc biệt yêu thích "Musang King", một sản phẩm sầu riêng cao cấp của Malaysia được đặt với cái tên mỹ miều: "Hermes sầu riêng" của đại lục. Sản lượng dự kiến sẽ giảm trong năm nay do mưa lớn, song chính phủ Malaysia đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và mở rộng các đồn điền trồng sầu riêng. Việt Nam và Lào cũng đang chứng kiến một làn sóng đầu tư lớn, trong đó có dòng vốn của Trung Quốc.

Đối với các nước Đông Nam Á này, việc Trung Quốc tham gia RCEP được ví như một làn gió mới. Ngoài việc loại bỏ thuế quan, hiệp định quy định rằng việc thông quan những loại hàng dễ hư hỏng sẽ cơ bản hoàn thành trong vòng chưa đầy 6 giờ. Điều này làm giảm đáng kể chi phí và mang lại lợi thế lớn cho sầu riêng bởi độ tươi ngon vô cùng quan trọng.

Mặt khác, sự bùng nổ của sầu riêng cũng phản ánh những thách thức trong việc hình thành một khu thương mại tự do quy mô lớn với Trung Quốc. Gián đoạn trên thị trường có thể xảy ra, chẳng hạn như Malaysia đang phát triển việc trồng sầu riêng trong các khu rừng mưa nhiệt đới - điều mà các chuyên gia cho rằng có thể gây tác động lớn tới môi trường. Không ai biết cơn sốt sầu riêng ở Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu, ngay cả khi công suất đầu ra ở các nước xuất khẩu đang được mở rộng nhanh chóng.

Điều này dẫn đến một hệ lụy, rằng nhiều quốc gia sẽ bị phụ thuộc quá mức vào nền kinh tế Trung Quốc. Thông thường, phải mất hơn 5 năm để cây sầu riêng lớn và cho ra trái. Nếu Trung Quốc bất ngờ ngừng nhập khẩu sau khi sản xuất được đẩy mạnh trên quy mô lớn, người nông dân sẽ trở thành đối tượng bị thiệt hại nặng nề.

Năm 2021, nhập khẩu sầu riêng tươi tăng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 821.600 tấn, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 82,4% lên 4,205 tỷ USD.

Theo Nikkei Asia, Trung Quốc đã nhiều lần thử canh tác sầu riêng cao cấp ở các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây…Mặc dù vĩ độ cao, bão thường xuyên và các điều kiện khí hậu khác biệt gây ra nhiều khó khăn cho quá trình thương mại hóa, song nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đang tạo động lực cho nhiều công ty đẩy mạnh đầu tư và canh tác sầu riêng.

Khi đó, điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc thành công trong việc sản xuất sầu riêng nội địa? Giống như loại nho cao cấp của Nhật Bản có tên "Shine Muscat", sản xuất sầu riêng có thể lan rộng ở Trung Quốc trước khi thế giới nhận thức được điều đó và viễn cảnh thị trường được thống trị phần lớn bởi sầu riêng Trung Quốc là điều có thể xảy ra.


Theo: Nikkei Asia

Xu hướng tuyển dụng ngành CNTT trên thế giới Bắt nhịp hay mất nhân sự?


Vũ Anh

Chia sẻ Facebook