Sau phân làn cứng, đường Nguyễn Trãi vẫn ùn tắc, xe máy và ôtô chen nhau 'điền vào chỗ trống'

Chia sẻ Facebook
09/08/2022 12:50:01

Dù là tuyến đường vừa được phân riêng làn ôtô và xe máy bằng dải phân cách cứng, nhưng đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) vẫn ùn tắc nghiêm trọng sáng 8-8. Đến 8h30, lực lượng chức năng đã quyết định thu gọn dải phân cách để người dân dễ chuyển làn.

Đường Nguyễn Trãi ùn tắc ngày đầu tuần - Ảnh: PHẠM TUẤN

Sáng 8-8, ngày thứ 3 đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) áp dụng phân riêng làn ôtô và xe máy bằng dải phân cách cứng, nhưng do là sáng đầu tuần nên lưu lượng giao thông đông hơn rất nhiều lần so với 2 ngày đầu tiên thí điểm diễn ra vào cuối tuần.


Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online , giờ cao điểm buổi sáng, tuyến đường này vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Tại các nút giao cắt, các phương tiện ra vào, chuyển làn khiến giao thông lộn xộn.

Đáng chú ý, dù đã phân làn riêng, nhưng ôtô và xe máy vẫn đi vào làn của nhau, chen nhau "điền vào chỗ trống", mặc cho lực lượng chức năng ra sức điều tiết, "thổi còi" cật lực để chỉ dẫn các phương tiện.

Ôtô và xe máy vẫn đi vào làn của nhau - Ảnh: PHẠM TUẤN

Tại đoạn đường Nguyễn Trãi (hướng lên cầu vượt Tây Sơn - Nguyễn Trãi), dải phân cách kéo dài khiến nhiều phương tiện chuyển làn lên cầu hoặc xuống dưới cầu gặp khó, giao thông tại đây ùn tắc hàng dài.


Đến 8h30, vì quá ùn tắc, lộn xộn, lực lượng chức năng đã quyết định thu gọn dải phân cách để người dân dễ chuyển làn.

Lực lượng chức năng điều chỉnh, kéo gọn dải phân cách vì gây ùn tắc - Ảnh: PHẠM TUẤN

Chị Nguyễn Thị Quy (43 tuổi, Thanh Xuân) cho rằng việc phân riêng làn ôtô và xe máy tại đường Nguyễn Trãi "không ăn thua" bởi tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra và ôtô và xe máy vẫn đi vào làn của nhau.

"Tôi thấy vẫn đâu vào đấy, nhà tôi ngay mặt đường Nguyễn Trãi, ngày nào cũng ùn tắc, hôm nay đường sá vẫn ùn ùn. Dù đã phân làn nhưng ôtô vẫn đi vào làn xe máy, xe máy vẫn đi vào làn ôtô. Tôi thấy không ăn thua, việc phân làn như thế này chả giải quyết được vấn đề gì", chị Quy nói.

Nút giao lên và xuống cầu vượt Nguyễn Trãi - Tây Sơn giao thông ùn tắc đến nghẹt thở - Ảnh: PHẠM TUẤN


Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao Thông Vận Tải - cho biết tính khả thi của việc thí điểm phân làn tại đường Nguyễn Trãi là thấp. Ông cho rằng việc áp dụng phân làn đã được tính và thực hiện cách đây 7-8 năm, tiêu tốn nhiều tiền bạc, tuy nhiên xe máy và ôtô "vẫn hòa vào với nhau".

"Trên lý thuyết, nếu phân làn được xe máy và ôtô thì tốt quá, nhưng đây là vấn đề không hề đơn giản với điều kiện Việt Nam hiện nay. Ở các nước cũng ít có quốc gia nào phân làn bằng giải phân cách cứng, kể cả thủ đô Bangkok hay Jakarta, hay những nước xe máy rất ít như Nhật Bản thì tại Tokyo xe máy vẫn đi vào làn ôtô.

Hiện nay ý thức người dân vẫn muốn đi vào những chỗ trống, cứ trống là vượt lên. Ngoài ra, để phân làn được thì phải giám sát suốt ngày, thế thì giám sát bằng cách nào, chẳng lẽ 10 mét có một người, cho nên không thể giám sát được, kể cả phạt nguội cũng rất khó", ông Thủy nói.

Ôtô và xe máy trên đường Nguyễn Trãi vẫn "như chưa hề có cuộc chia ly" - Ảnh: PHẠM TUẤN


Ngoài ra, ông Thủy cho rằng nếu phân làn không hợp lý, thì việc ùn tắc còn nghiêm trọng hơn, đơn cử như việc phân làn ôtô quá rộng, xe máy quá hẹp và ngược lại. Theo đó, để thực hiện được việc phân làn, phải có làn đường hợp lý, ít ngã tư, ít giao cắt, đèn tín hiệu giao thông cũng phải hợp lý và đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân.


Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , một lãnh đạo đội cảnh sát giao thông số 7 (Công an TP Hà Nội) cho biết hiện đơn vị đang phối hợp với thanh tra giao thông để bố trí lực lượng tại các điểm quay đầu, dải phân cách để phân luồng, hướng dẫn cho người dân đi đúng làn đường.

“Tuy nhiên trong những ngày đầu thực hiện, một số người dân chưa biết việc phân làn nên việc chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng còn hạn chế. Ngoài ra, trong giờ cao điểm lượng phương tiện tăng cao, so với quân số làm nhiệm vụ với lượng xe tăng đột biến thì chưa đáp ứng được yêu cầu, nên vẫn xảy ra tình trạng lộn xộn tại các làn đường”, vị lãnh đạo trên nói.


Lãnh đạo đội cảnh sát giao thông số 7 cho biết thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp nhịp nhàng hơn với các đơn vị liên quan, đồng thời mong người dân nâng cao ý thức chấp hành chỉ dẫn để việc phân làn đạt hiệu quả cao nhất.

Chuyên gia cho rằng việc phân làn trên đường Nguyễn Trãi không có tính khả thi - Ảnh: PHẠM TUẤN


Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hữu Bảo - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội - cho biết vi ệc thí điểm tại tuyến đường Nguyễn Trãi nếu làm giảm tình trạng ùn tắc sẽ là cơ sở để Sở Giao thông vận tải triển khai ở những tuyến tiếp theo.

Về những bất cập khi đặt dải phân cách cứng xuyên suốt tuyến, vị lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng trên cơ sở khảo sát thực trạng, phương án của sở sẽ bố trí dải phân cách không liên tục để tạo điều kiện cho người dân chuyển hướng và quay đầu.

Ông nói: "Việc bố trí dải phân cách không liên tục, đứt đoạn có những thuận lợi cho người dân, tuy nhiên cũng sẽ có thể xảy ra việc người dân không tuân thủ đi đúng làn đường ở các đoạn không có dải phân cách. Trong thời gian thí điểm, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh để hạn chế những bất cập nảy sinh".

Người dân “ngắm” đường Nguyễn Trãi trong những ngày thí điểm phân làn - Ảnh: PHẠM TUẤN

Đông đúc phương tiện hướng lên cầu vượt Tây Sơn - Nguyễn Trãi - Ảnh: PHẠM TUẤN

Lực lượng chức năng liên tục điều tiết, nhưng ôtô và xe máy vẫn "mạnh ai nấy đi" - Ảnh: PHẠM TUẤN

Ngày đầu thực hiện phân làn bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), ôtô và xe máy vẫn đi vào làn của nhau. Nhiều người dân cho rằng việc lắp đặt dải phân cách cứng trên tuyến đường này là 'chưa phù hợp'.

Chia sẻ Facebook