Sau pha “quay xe”: Thị trường chứng khoán “có cửa” để hồi phục?
Theo quan điểm của chuyên gia, với lực mua có dấu hiệu làm chủ thị trường, hấp thụ lượng bán chủ động giúp thị trường chứng khoán “có cửa” để hồi phục…
Quan điểm trên vừa được một chuyên gia chứng khoán chia sẻ ngay sau phiên giao dịch thăng hoa, mang lại nhiều cảm xúc cho giới đầu tư của VN-Index ngày 16/11.
Phản ứng thị trường phiên ngày thứ Tư có thêm dấu hiệu tích cực hơn cho thị trường. Ngay phiên sáng, việc ứ đọng "hàng" không có thanh khoản bán sàn, trắng bên mua xuất hiện rất nhiều. Nhưng từ gần cuối phiên sáng kéo tới chiều mức hập thụ "hàng" rất tốt, kéo thị trường lên mức cao nhất ngày, đi kèm thanh khoản cao.
Chuyên gia nêu, diễn biến thị trường cho thấy bên mua đã làm chủ thị trường sau hàng loạt phiên trước hầu như bên bán thống trị thị trường.
Vị này nhắc lại, trước đây 60-70% lượng bán là bán thụ động, liên quan việc giải chấp, bán chủ động từ CTCK thu hồi tiền vốn vay. Nhà đầu tư bình thường có thể không có nhu cầu muốn bán nhưng bị ép bán. Do đó khi hấp thụ lực này, thị trường "có cửa" để hồi phục tốt hơn, bởi vì lượng bán thụ động được giải tỏa.
"Tôi nghiêng về hướng thị trường có thể tiếp tục ở một vài phiên tới. Để thận trọng nhất thì nhà đầu tư nên chờ phiên thứ 6 tới khi lượng hàng bắt đáy hôm nay về tài khoản, lúc đó mới có thể đánh giá được pha hồi phục này của thị trường có bền hay không",
Lý giải về động lực cho lực cầu gia tăng ở phiên này, vị chuyên gia này cho rằng đến từ việc xuất hiện thông tin chưa chính thức về việc room tín dụng được nới thêm 2%, cũng như việc thành lập 2 tổ giải cứu những vấn đề đang nóng của thị trường là bất động sản, ngân hàng…
Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh, những thông tin trên hiện chỉ đang dừng lại ở việc đồn đoán. Và hiện nhà đầu tư đang "hóng" những thông tin trên.
Kỳ vọng pha hồi phục cuối năm
Thực tế dư địa tăng trưởng tín dụng cuối năm còn khoảng 2%. Nếu thông tin nới room tín dụng trên là đúng thì room cho 2 tháng cuối năm là tổng 4%.
Chuyên gia đánh giá, room tín dụng cùng với một số chính sách khác từ Chính phủ sẽ là các thông tin thị trường chờ đợi, giúp nhà đầu tư có quyền hy vọng pha hồi phục 10-15%.
Vị này cho rằng, thị trường vừa qua đã bị bán quá mức. Diễn biến thị trường Việt còn xấu hơn cả thị trường Nga, nơi đang có biến động xung đột.
Thêm nữa, nếu nhìn về bình diện thế giới, khoảng 2 tuần trở lại đây, thông tin CPI của Mỹ được công bố hạ, chỉ số đô la cũng hạ nhiệt… Nếu như trước đó, các ý kiến có phần bi quan cho phần còn lại của 2022, khoảng vài phiên gần đây, góc nhìn bắt đầu "sáng" khi thông điệp từ thông tin thế giới tích cực hơn.
"Nếu từ nay tới cuối năm, lãi suất không tăng, tỷ giá ổn định, đồng thời có những chính sách cởi trói cho những nút thắt lớn trên thị trường thì nhà đầu tư có quyền kỳ vọng vào pha hồi phục nhất định cuối năm",
Vị này cũng nhấn mạnh, động thái trên thị trường khá phân hóa, các trường hợp như Novaland hay Phát Đạt còn phức tạp, kéo dài, không xử lý được trong một sớm một chiều. Trong khi những mã khác chỉ bị liên đới, call margin chéo, force sell chéo thì đang có tín hiệu tốt sau phiên này.
Về động thái mua ròng liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia này cho rằng, lực mua chính những phiên gần đây đến từ quỹ Fubon, Đài Loan và các quỹ từ Thái Lan, khối này nhìn thấy định giá thị trường Việt đã rẻ.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, vấn đề thị trường bây giờ không phải là rẻ hay mắc, mà là đang có nút thất về chính sách, nút thắt về thanh khoản chưa xử lý được.
"Đứng ở góc nhìn NĐTNN không quá am hiểu về thị trường, nhìn vào định giá hiện nay là hấp dẫn. Nhưng với quỹ chủ động, am hiểu thị trường Việt họ vẫn thận trọng, chờ đợi. Họ thừa hiểu là cổ phiếu đã rẻ. Vấn đề nút thắt chính sách không xử lý được, tình hình thanh khoản, bán chéo vẫn đổ ầm ầm thì họ không vội bước chân vào sớm, dễ bị hớ. Bởi họ chịu áp lực từ cổ đông, từ nhà đầu tư, nên thận trọng",
Có dễ đỡ giá cổ phiếu?
Đánh giá về khả năng tham gia "đỡ" giá cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp trên sàn, chuyên gia đề cập, trên thực tế đã có một số lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện mua vào cổ phiếu, một số đã và sẽ đăng ký mua vào.
Nhưng theo vị này, cần nhìn nhận, không phải doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng có nhiều tiềm lực để mua vào nhiều cổ phiếu lúc này. Mong muốn mua là một chuyện, còn có thực hiện được hay không là chuyện khác. Nhiều doanh nghiệp hiện còn vướng vào vấn đề trái phiếu, nguồn vốn bên ngoài bây giờ không dễ để xoay. Một số doanh nghiệp thậm chí nghĩ tới chuyện trình mua cổ phiếu quỹ, nhưng việc này không nhanh được vì phải trình ĐHĐCĐ.
"Tôi thấy nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã và đang đăng ký mua tiếp. Như lãnh đạo Thế giới Di động đã thực hiện mua vào vòng 1, dự kiến còn mua vào vòng 2. Hay một số lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng dự kiến mua vào như tập đoàn FPT, Thủy sản Vĩnh Hoàn, PNJ... Tuy nhiên, ý chí muốn mua nhưng nguồn lực mua được hay không là câu chuyện khác. Ngoài ra, chính sách phải cởi trói hơn, nếu tình hình cứ như này thì không có lãnh đạo doanh nghiệp nào đỡ nổi cổ phiếu"