Sau nhiều quý bùng nổ, tăng trưởng cho vay tại các Công ty chứng khoán dần chững lại, đạt 200.000 tỷ đồng vào cuối quý 1/2022
Sau giai đoạn bùng nổ tăng trưởng mạnh, dư nợ margin đang có xu hướng chững lại. Điều này có thể đến từ việc tốc độ tăng vốn của các Công ty chứng khoán chưa theo kịp nhu cầu thị trường. Ngoài ra, việc thị trường có nhiều biến động mạnh phần nào khiến giới đầu tư có phần thận trọng hơn, không "mạnh tay" margin như trước.
Sau giai đoạn bùng nổ năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì sự sôi động trong quý 1/2022 với thanh khoản mỗi phiên lên tới đơn vị "tỷ đô".
Sự cải thiện thanh khoản thời gian qua có đóng góp không nhỏ từ các nhà đầu tư mới. Số liệu từ VSD cho biết tính riêng quý 1 vừa qua, nhà đầu tư trong nước đã mới mới hơn 675.000 tài khoản chứng khoán, gần gấp đôi tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.
Bên cạnh việc nhà đầu tư mở tài khoản mới, để thanh khoản thị trường duy trì mặt bằng cao như vậy không thể không nhắc tới yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền margin. Theo ước tính của chúng tôi, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính tới cuối quý 1/2022 vào khoảng 200.000 tỷ đồng (~8,7 tỷ USD), tăng nhẹ khoảng 5.000 tỷ so với quý trước và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. Cũng cần lưu ý, đây là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nếu tính thêm dư nợ từ cho vay 3 bên, con số thực tế có thể lên tới hơn 200.000 tỷ đồng.
Trong số 200.000 tỷ đồng dư nợ cho vay có khoảng 182.000 tỷ đồng là dư nợ cho vay margin, còn lại là ứng trước tiền bán. Dư nợ margin trên toàn thị trường ước tính tăng nhẹ khoảng 2.000 tỷ so với cuối năm 2021.
Riêng 20 Công ty chứng khoán lớn nhất thị trường có dư nợ cho vay cuối quý 1/2022 lên tới hơn 172.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 5.000 tỷ (+3%) so với quý trước đó.
Tính tới cuối quý 1/2021, toàn thị trường có 6 công ty có dư nợ cho vay từ 10.000 tỷ trở lên, bao gồm SSI (21.203 tỷ đồng), Mirae Asset (18.482 tỷ đồng), VNDirect (17.123 tỷ đồng), TCBS (16.018 tỷ đồng), HSC (14.523 tỷ đồng) và VPS (10.212 tỷ đồng), đây cũng là 6 công ty chứng khoán đã có có dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ đồng trong quý 4/2021.
Trong đó, SSI và VPS là các Công ty chứng khoán có dư nợ cho vay sụt giảm so với quý trước, trong khi Mirae Asset, VNDirect, TCBS và HSC đều tăng trưởng nhẹ.