Sau một quý đi lùi, lãi sau thuế Imexpharm tăng mạnh 78%
CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) công bố BCTC quý 3/2022, ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 60 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.
Sau một quý đi lùi, lãi sau thuế Imexpharm tăng mạnh 78%
Cụ thể, quý 3, IMP báo doanh thu tăng 63% so với cùng kỳ, lên gần 418 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá vốn không đuổi kịp doanh thu (tăng 37%, lên gần 246 tỷ đồng). Do đó, sau khi khấu trừ, Công ty lãi gộp hơn 172 tỷ đồng, tăng 93%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm mạnh (-75%), còn 1.3 tỷ đồng; trong khi các hạng mục chi phí khác bật tăng như chi phí tài chính (66%, lên gần 6 tỷ đồng), chi phí bán hàng (77%, lên 65.4 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (88%, lên gần 30 tỷ đồng). Dẫu vậy, doanh thu tăng mạnh đã giúp IMP đạt lãi sau thuế gần 56 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.
Theo Công ty giải thích, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh đến từ hoạt động mở rộng thị trường, kết thúc các chương trình bán hàng và thị trường hồi phục sau đại dịch COVID-19. Công ty cũng cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, chỉ chú trọng vào các nhóm sản phẩm chủ lực có giá trị và biên lợi nhuận cao.
Đây cũng là một thành công của IMP sau quý 2 đạt kết quả đi lùi. Cụ thể, trong quý 2/2022, dù doanh thu tăng trưởng 12%, đạt gần 355 tỷ đồng, nhưng các chi phí bật tăng đã kéo lui thành quả của Công ty, khiến lãi sau thuế chỉ còn gần 47 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu, lợi nhuận trước và sau thuế của IMP lần lượt đạt gần 1.1 ngàn tỷ đồng, 198 tỷ đồng và 155 tỷ đồng, tăng trưởng 25% và 27%. Kết quả này tương ứng với 75% kế hoạch doanh thu và 72% mục tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022.
Thời điểm cuối tháng 09/2022, tổng tài sản của IMP còn gần 2.2 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm phân nửa (1.1 ngàn tỷ đồng), trong đó hạng mục đầu tư tài chính gấp 2.2 lần đầu năm (251 tỷ đồng) nhờ khoản tiền gửi ngân hàng đến ngày đáo hạn. Phải thu ngắn hạn gần như đi ngang, đạt 290 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 18%, còn 400 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, Công ty chỉ còn nợ ngắn hạn (363 tỷ đồng), gồm các khoản vay ngắn hạn với ngân hàng Shinhan và ngân hàng ADB (Asian Development Bank), tổng cộng 131 tỷ đồng, giảm 23% so với đầu năm. Khoản nợ dài hạn hơn 91 tỷ đồng với ADB đã được tất toán ở thời điểm 30/09.
Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên 1.8 ngàn tỷ đồng, chiếm 83% tỷ trọng nguồn vốn, trong đó đa số là vốn góp chủ sở hữu (667 tỷ đồng) và thặng dư vốn cổ phần (507 tỷ đồng).
IMP tiền thân là Xí nghiệp liên hiệp Dược Đồng Tháp, được chuyển thành công ty cổ phần từ tháng 08/2001. Vốn điều lệ tính đến thời điểm tháng 09/2022 hơn 667 tỷ đồng. IMP hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, gia công, bán buôn xuất nhập khẩu dược liệu, dược phẩm, thiết bị dụng cụ y tế, hóa chất, sản xuất thực phẩm chức năng…
Cuối tháng 07/2022, IMP chính thức trở thành Công ty con của SK INVESTMENT VINA III PTE .LTD - đơn vị đầu tư trực thuộc Tập đoàn SK, một trong những công ty hậu thuẫn cho chuỗi nhà thuốc Pharmacity. Cụ thể, vào ngày 22/07, SK đã mua 4.9 triệu cp IMP , nâng tỷ lệ sở hữu từ 46.57% (hơn 31.1 triệu cp) lên 53.94%, với giá trị ước tính khoảng 323 tỷ đồng. Đến ngày 18/08, SK tiếp tục muốn nâng sở hữu tại IMP lên hơn 55% thông qua hồ sơ chào mua công khai thêm hơn 733 ngàn cp với giá 66,000 đồng/cp, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại IMP lên 55.04%. Ước tính, giá trị thương vụ hơn 48 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu IMP thấp thanh khoản, dao động vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu. Phiên sáng 20/10, mã cổ phiếu này đang được giao dịch ở mức 57,500 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu IMP từ đầu năm 2022 | ||
Hồng Đức