Sau Meta, Apple cũng đang xây dựng một 'metaverse thứ hai' cho riêng mình?
Theo Bloomberg, thế giới Apple đang xây dựng tương tự như ý tưởng metaverse của Mark Zuckerberg, song nhiều khả năng, công ty sẽ không sử dụng thuật ngữ “metaverse” để gọi tên vũ trụ ảo của mình.
Theo Bloomberg, sản phẩm tiếp theo của Apple - kính thực tế hỗn hợp đánh dấu kỷ nguyên điện toán mới - sẽ có thể ra mắt vào năm 2023. Chiếc kính có giá dao động từ 2.000 đến 3.000 USD, có tích hợp chip M2 cùng hơn 10 camera. Một số nguồn tin còn cho biết, kính có cấu tạo từ 3 màn hình, trong đó gồm 2 màn hình Micro OLED và một màn hình AMOLED, tích hợp cảm biến quang học theo dõi mắt, hỗ trợ kết nối Wi-Fi 6E...
Được biết thiết bị này sẽ chạy trên một hệ điều hành mới có tên là realityOS, bao gồm các phiên bản thực tế hỗn hợp của nhiều ứng dụng cốt lõi, chẳng hạn như Messenger, FaceTime và Map. Phiên bản đầu tiên của hệ điều hành, tên mã là Oak, đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ sẵn có vào năm sau.
Ngoài ra, Apple cũng đang nỗ lực củng cố nội dung cho thiết bị, đồng thời tìm kiếm một nhà sản xuất phần mềm có kinh nghiệm về hiệu ứng hình ảnh và trò chơi giải trí để xây dựng nội dung kỹ thuật số cho môi trường thực tế ảo tăng cường. Gã khổng lồ công nghệ này còn tìm cách xây dựng dịch vụ video cho kính - thứ được cho là có thể trình phát trong thực tế ảo.
Theo Bloomberg, Apple hiện đang tìm kiếm các kỹ sư giàu kinh nghiệm về thực tế ảo và tăng cường. Hãng công nghệ kỳ vọng hệ điều hành realityOS sắp tới sẽ sử dụng API App Intents để có Siri và Shortcuts như trên iOS 16.
“Chúng tôi đang tìm kiếm một kỹ sư phần mềm làm việc trên API App Intents để thiết kế và triển khai các giải pháp mở khóa thông minh, kích hoạt công cụ dành cho nhà phát triển mới và tạo điều kiện tương tác cho người dùng từ các mô hình dữ liệu, chẳng hạn như Shortcuts, Siri…”, đại diện Apple nói.
Trong đó, nổi bật nhất là mảng phát triển thế giới thực tế hỗn hợp 3D tương tự “metaverse” - thuật ngữ Apple rất ít khi nhắc tới. Các công cụ mới sẽ được xây dựng nhằm mang lại trải nghiệm kết nối hoàn hảo trong thế giới thực tế hỗn hợp 3D.
Để đẩy nhanh quá trình, Apple vừa bổ sung 2 vị trí quan trọng cho đội ngũ quản lý giám sát: một cựu lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực xe tự lái và một nhà quản lý kỹ thuật phần mềm cao cấp. Bản thân nhóm được điều hành bởi Mike Rockwell, phó chủ tịch AR/VR của Apple, và Dan Riccio, cựu giám đốc phụ trách phần cứng.
Bên cạnh đó, Apple còn thuyên chuyển một vài nhân sự chủ chốt đến đội sản xuất thực tế hỗn hợp, bao gồm Dave Scott, cựu nhân viên mảng xe tự lái và Yaniv Gur, giám đốc kỳ cựu mảng kỹ thuật. Được biết Gur gia nhập Apple từ 20 năm trước và chủ yếu phụ trách giám sát kỹ thuật cho các ứng dụng iWork (Pages, Keynote và Numbers).
Theo Ars Technica , sự thay đổi về nhân sự tại Apple cho thấy hãng đã có đủ nhân lực chuẩn bị sẵn sàng mọi khâu phát triển, sản xuất, thiết kế cho thiết bị thực tế hỗn hợp và đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án này.
Tuy nhiên, một số thách thức đang được đặt ra do bản thân đội ngũ thiết kế của Apple đang chảy máu chất xám, sau sự ra đi của Jony Ive. Kể từ khi Apple Watch ra mắt, ít nhất 15 người đã xin từ chức.
Theo Bloomberg, người kế nhiệm của Jony Ive, Evans Hankey, chỉ duy trì nhiệm kỳ trong 3 năm ngắn ngủi. Apple hiện vẫn chưa tìm được người kế nhiệm và chỉ có một vài lựa chọn sẵn có, chẳng hạn như Richard Howarth, trưởng nhóm thiết kế công nghiệp lâu năm của iPhone và Apple Watch.
Giám đốc thông tin mới của Apple là cựu lãnh đạo Facebook. Hai giám đốc điều hành hàng đầu của Apple tại bộ phận Hệ thống và Công nghệ Thông tin, hay IS&T, đều đã nghỉ hưu. Điều này đã tạo ra một lỗ hổng nhân sự đáng kể, nhất là đối với một bộ phận phụ trách vận hành cơ sở hạ tầng cho phép nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp giao tiếp và duy trì dịch vụ.
Thay thế Mary Demby, giám đốc thông tin sắp mãn nhiệm của Apple và David Smoley, phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật phần mềm, là Timothy Campos. Đây là người có nhiều kinh nghiệm với tư cách là CIO kiêm đồng sáng lập một ứng dụng được Slack mua lại.
Ngoài kính thực tế áo, Tim Cook còn được kỳ vọng sẽ giới thiệu sản phẩm lớn tiếp theo của hãng vào năm sau: Chiếc tai nghe kết hợp giữa thực tế ảo và thực tế tăng cường Apple Reality Pro. Thiết kế, độ nhạy và đồ họa sống động được cho là có thể “thổi bay” tai nghe VR mà Facebook, Sony và HTC sản xuất trước đó.
Dự án được thực hiện trong suốt 7 năm, với khoảng 2.000 nhân viên, trong đó có vị lãnh đạo trước đây từng chịu trách nhiệm phát triển VR cho NASA. Chính vì vậy, mười năm sau sự thất bại của Google Glass, tai nghe Apple Reality Pro được coi là kỳ vọng lớn của tất cả những ai yêu mến nhà Táo khuyết.
Không dừng lại ở đó, Táo khuyết còn nuôi tham vọng lớn hơn cho hệ sinh thái mới có tên “Reality”. Trước đó hồi năm 2017, Bloomberg từng tiết lộ Apple đang phát triển một hệ điều hành mới dựa trên iOS có tên là “rOS”, dành riêng cho thiết bị AR và VR. Đến đầu năm nay, nhiều thông tin cho rằng hệ điều hành mới còn sở hữu phiên bản AR của các ứng dụng trên iPhone.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào nhà Táo khuyết sẽ “vén màn” hệ sinh thái Reality. Đồn đoán trước đó cho rằng bộ kính thực tế tăng cường sẽ được tung ra thị trường vào năm 2023, trong khi nhiều chuyên gia lại kỳ vọng một video ngắn quảng bá nền tảng mới sẽ xuất hiện vào cuối năm nay.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh